Cà Mau: An dân, dồn lực phòng và chống, cơ bản đã kiểm soát dịch Covid 19
“Trừ một số ổ dịch đã phát hiện, được khoanh vùng, phong toả, kiểm soát chặt, cơ bản Cà Mau đã kiểm soát dịch Covid 19” đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng Chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Cà Mau tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Phòng chống dịch đi đôi với lo cho dân
Từ khi dịch bùng phát, Cà Mau đã thiệt hại rất lớn về kinh tế nhưng vẫn dồn toàn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch làm tốn kém không nhỏ nguồn kinh phí lớn của địa phương. Dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực chế biến thuỷ sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lượng lao động của các cơ sở sơ chế thuỷ sản giảm từ 30%-70% dẫn đến năng suất giảm, nhưng chi phí lại tăng. Dẫn đến giá thu mua nguyên liệu thuỷ sản giảm mạnh từ 20%-30%, có một số mặt hàng giảm từ 30%-50%. Tuy khó khăn nhưng Cà Mau đã trang bị 5 máy xét nghiệm PCR với công suất 4.000 mẫu đơn/ngày. Đã xét nghiệm PCR cho hơn 98.200 mẫu/hơn 810.000 người. Duy trì 24/24 108 trạm chốt kiểm soát trên đường bộ, đường thuỷ, cửa biển để kiểm soát chặt người-phương tiện ra vào tỉnh. Mặt khác, tổ chức 45 tổ tuần tra kiểm soát 24/24 và hơn 5.800 Tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 17.800 người baophủ đến tận khu dân cư ấp, khóm với phương châm 3 vòng khép kín. Với việc thực hiện việc test nhanh tại các chốt trạm kiểm soát, Cà Mau đã phát hiện 20 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cà Mau đã xây dựng 4 bệnh viện dã chiến với 550 giường, nâng tổng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 lên gần 790 giường. Toàn tỉnh có 152 máy thở, gồm 8 máy thở chức năng cao, 4 máy lọc máu liên tục, 5 máy xét nghiệm đông máu, 8 máy X quang di động. Tỉnh có 26 khu cách ly với gần 2.200 giường. Sắp tới, Cà Mau có kế hoạch mở rộng thêm các khu cách ly để sẵn sàng tiếp nhận đối tượng cách ly tập trung lên 5.000 giường.Ngoài ra, đã dự phòng phương án lập thêm các bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 khi số bệnh nhân vượt trên 1.000 ca. Cà Mau đã điều trị khỏi cho 113 bệnh nhân Covid-19, đang điều trị 151 bệnh nhân. Đã tổ chức 180 điểm tiêm vắc xin với năng lực tiêm 40.000 liều/ngày. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau tổ chức 9 đợt tiêm vắc-xin với hơn 158.800 liều cho hơn 145.400 người, chiếm tỷ lệ 12,2% dân số, trong đó mũi 2 đạt gần 31.600 người, đạt khoảng 2,6% dân số.
Ông Nguyễn Tiến Hải, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhận định tại tại hội nghị trực tuyến 3 cấp ngày 16/09/2021 về phòng chống dịch Covid 19: “Trừ một số ổ dịch đã phát hiện, được khoanh vùng, phong toả, kiểm soát chặt, cơ bản Cà Mau đã kiểm soát dịch Covid 19”
Mặc dù dồn lực cho công tác phòng chống dịch, nhưng công tác đảm bảo an sinh xã hội của Cà Mau vẫn triển khai quyết liệt, cụ thể.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng kinh phí ngân sách địa phương đã bố trí cho công tác phòng chống dịch của tỉnh Cà Mau hơn 230 tỷ đồng. Nhu cầu kinh phí phòng chống dịch thực tế của địa phương hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, Tỉnh Cà Mau đã đón rước công dân về quê 2 chuyến gần 400 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đã hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định Nghị quyết 68 hơn 40 tỷ đồng. Công tác quyên góp, ủng hộ khác đạt hơn 40 tỷ đồng.
Quyết liệt hơn nữa
Theo Sở y tế Tỉnh Cà Mau, tính đến sáng ngày 17/9/2021, tỉnh Cà Mau có 279 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trong đó có 1 ca nhập cảnh); có 32 ca ghi nhận cộng đồng (chiếm tỷ lệ 11,9% trên tổng số ca mắc và bằng 0,0027% dân số), 238 ca được ghi nhận trong khu cách ly tập trung, khu phong toả, cách ly tại nhà. Đã điều trị khỏi 127 người. Đã tiêm mũi 1 cho 127.245 người, tiêm 2 mũi cho 42.755 người
Tại hội nghị, BCĐ đã đánh giá, một số địa phương vẫn còn nguy cơ như thành phố Cà Mau và huyện Trần Văn Thời. Có 2 đơn vị cấp xã thuộc mức nguy cơ rất cao là xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời và phường 4, thành phố Cà Mau. 4 đơn vị cấp xã ở mức nguy cơ cao là xã Đông Thới, huyện Cái Nước và phường 1, 8 và 9, thành phố Cà Mau. 8 đơn vị cấp xã thuộc nhóm nguy cơ gồm phường 5, 6, 7, thành phố Cà Mau; xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước; xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi; thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển; xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình và xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. 87 đơn vị cấp xã còn lại thuộc nhóm bình thường mới.
Sản xuất, khai thác, chế biến thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh chịu nhiều thiệt hại qua các lần dịch Covid 19. Nhân công giảm, chi phí tăng khiến giá nguyên liệu thủy sản tăng giảm mạnh bất thường, có mặt hàng lên đến 30%-50%.
Mặc dù thiệt hại đơn kép và phải dồn toàn lực chống dịch, nhưng Cà Mau vẫn tổ chức 2 đợt đón gần 400 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ Tp HCM và các tỉnh khác về địa phương
Tuy hiện các ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát nhưng tỉnh Cà Mau đang ở mức nguy cơ. Mặt khác, chủng vi rút gây bệnh đang diễn biến khó lường khi có nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài hơn khuyến cáo, làm phát sinh các ổ dịch mới trong cộng đồng. Mới đây, vừa xuất hiện thêm ổ dịch mới tại phường 4, thành phố Cà Mau với nhiều ca nhiễm. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh một số tỉnh trong khu vực có nguy cơ bùng phát, việc quản lý đường biên giáp ranh các tỉnh khó khăn, do đó vẫn còn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Người đứng đầu Đảng bộ Cà Mau thay mặt Ban Chỉ đạo đã biểu dương và gởi lời tri ân đối với toàn hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng ở tuyến đầu phòng chống dịch, không quản ngại nguy hiểm, vất vả, góp sức bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Ông yêu cầu tiếp tục xét nghiệm sàng lọc cho người dân trong toàn cộng đồng bằng các hình thức RT-PCR và test nhanh tuỳ theo nguy cơ, loại tách mầm bệnh, làm sạch địa bàn. Địa phương nào làm trước, địa bàn sạch, không có mầm bệnh thì trở lại bình thường mới sớm hơn. Chậm nhất là tới cuối tháng 9 phải hoàn thành công việc này. Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện “3 mũi giáp công” gắn với kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19. Quản lý cho chặt người từ ngoài tỉnh vào địa phương, trong đó có người trên các phương tiện vận chuyển hàng hoá vào, người đi về từ ngoài tỉnh tự phát xâm nhập vào địa bàn, ngư dân trên các tàu cá. Xét nghiệm RT-PCR cho vùng có nguy cơ cao, do lực lượng y tế chuyên môn làm; test nhanh thì Sở Y tế phải có ngay hướng dẫn rất kỹ để thực hiện.
Đối với hộ nghèo, cận nghèo và những hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được nhà nước hỗ trợ tiền test nhanh. Test nhanh không trùng lặp đối tượng. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm cho việc test nhanh cho con người mình quản lý. Chủ các doanh nghiệp chịu trách nhiệm test nhanh cho công nhân. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về test nhanh cho người dân. Khi người dân tự test thì cán bộ trong Tổ Covid cộng đồng phải giám sát, ghi kết quả kèm theo khay test của từng hộ, báo về trạm y tế cấp xã. Khi làm 3 lần liên tục theo tần suất 3 ngày/lần, nếu không phát hiện mầm bệnh thì vùng đó được công nhận là sạch, an toàn. Những nơi có ổ dịch, mới xuất hiện ổ dịch thì phải khoanh vùng, phong toả thật nhanh, thật chặt, phạm vi phong toả phải phù hợp với thực tế điều tra dịch tễ.
Các Tổ Covid-19 cộng đồng, phải kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ cụ thể để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động. Đảm bảo quản lý người đi/về địa phương, kịp thời thông tin chủ trương, biện pháp phòng chống dịch, nắm được hoàn cảnh đời sống của từng người dân. Vận động, giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả test nhanh của người dân theo quy định.
Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch. Phải làm cho người dân hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về đặc điểm, cơ chế hoạt động, sự tồn tại không thể chấm dứt nguồn lây của vi rút, để mọi người cùng thống nhất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lâu dài trong thời gian tới.
BOX
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hải, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau lưu ý, việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tại Cà Mau nhiều nơi làm còn chưa chặt chẽ. Nên các địa phương phải làm nhanh về thủ tục, đúng đối tượng để hỗ trợ kịp thời cho người dân, tuyệt đối không được chậm trễ. Rà soát đề xuất để bổ sung vào diện được hỗ trợ đối với những đối tượng bị ảnh hưởng mà chưa thuộc đối tượng theo qui định. Huy động tất cả các nguồn lực để hỗ trợ cho những đối tượng yếm thế, dễ tổn thương. Lập ngay đường dây nóng để người dân có hoàn cảnh khó khăn phản ánh về, phát hiện và xử lý những hiện tượng tiêu cực, sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ.
Biểu Quân