Cà Mau: Cần 800 tỷ để khẩn cấp đối phó bờ sông, đê biển liên tục sạt lở

(KTNT) Chỉ mới vào đầu mùa mưa bão năm nay, nhưng chỉ riêng trong tháng 06/2021, cùng lúc đã có 39 vụ sạt lở ven sông và 03 điểm sạt lở đê biển Tây nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, làm dấy lên nguy cơ đe doạ trực tiếp cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân đang sinh sống. Vì vậy Cà Mau đang rất cần nguồn hỗ trợ từ Trung ương để đối phó khẩn cấp.

Đê biển Tây bị đe dọa nghiêm trọng

Là tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 254 km, Cà Mau có 3 mặt giáp biển Đông-Tây cùng hệ thống sông ngòi dày đặc nối ra biển. Trước những diễn biến tiêu cực của tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Cà Mau là địa phương phải đương đầu và chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất so với cả nước. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, Cà Mau đã mất hơn 4.000 ha rừng ven biển. Song song, hàng trăm km đê biển Tây luôn đứng đước nguy cơ bị xoáy lở dù hàng năm địa phương đã chi nhiều tỷ đồng gia cố.

Đoạn đê Biển Tây qua địa bàn huyện U Minh đang bị xoáy lở nghiêm trọng khoét sâu vào chân đê, gây nguy cơ vỡ đê trong thời gian tới.

Ảnh 2 Một đoạn đê Biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ vỡ đê vào các cơn bão tới, đe dọa trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Bên phải ảnh là vạt rừng đước vừa bị sóng biển đánh bật gốc, theo thống kê mỗi năm Cà Mau mất khoảng 400ha rừng ven biển.

Ngày 16/06/2021, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2, trên khu vực đê biển Tây đã xuất hiện thêm 03 điểm sạt lở nghiêm trọng, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến chân đê. Nếu không xử lý kịp thời trong thời điểm này, sẽ gây nguy cơ vỡ đê, nước biển tràn vào ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn hộ dân địa phương đang sinh sống của hai huyện Trần Văn Thời và U Minh. 03 điểm sạt lở mới gồm đoạn T25 – T29, dài 1.000 mét; đoạn T29 – Khánh Hội, dài 500 mét và đoạn bờ bắc vàm Lung Ranh khoảng 200 mét. Ba đoạn này phía bên ngoài không có kè kiên cố nên sóng đã đánh mạnh vào thân đê, một số vạt rừng trên đoạn đê có cây đã bật gốc. Nhiều ngày qua, sóng to đã uy hiếp, áp sát gần chân đê, nguy cơ vỡ 3 đoạn đê đang bị sạt lở, diễn biến ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời. Qua khảo sát kiểm tra tình hình sản xuất vụ lúa hè thu ở phía trong đê tại khu vực huyện Trần Văn Thời của đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện tại trà lúa khu vực ven đê biển Tây có dấu hiệu nhiễm mặn, cây lúa chưa phát triển mạnh.

Để khắc phục, hiện tại trên tuyến đê biển Tây đang triển khai thực hiện nhiều gói thầu thi công như: kè hộ đê, thi công các khu dân cư, gia cố, bảo trì các đoạn đê thi công còn dang dở. Nhưng do ảnh hưởng của giá vật tư hiện đang tăng cao, nhân công khan hiếm, một số gói thầu còn vướng giải phóng mặt bằng nên tiến độ thi công còn chậm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu, nhất là các khu vực kè kiên cố để đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay. Riêng tại các khu tái định cư, khu vực nào làm hoàn chỉnh cần phải khẩn trương để đưa dân vào ở. Những khu vực đã giải phóng được mặt bằng thì đẩy nhanh tiến độ thi công. Khu vực nào còn vướng công tác giải phóng mặt bằng thì phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nhận đền bù, để giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Chi cục Thủy lợi và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cử lực lượng thường xuyên kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ tuyến đê được an toàn, tránh trường hợp để người dân tái lấn chiếm. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo bố trí lực lượng đê điều thường xuyên túc trực tại 2 đoạn T25-T29 và đoạn T25 – Khánh Hội, kịp thời nắm tình hình và báo cáo về tỉnh. Có kế hoạch đề xuất UBND tỉnh xin hộ đê khẩn cấp trước mùa mưa bão năm nay. Riêng đoạn Bờ Bắc Vàm Lung Ranh, trước mắt cần gia cố thêm đá bên ngoài để hạn chế sóng biển đánh vào bờ, chờ xây dựng kè kiên cố thời gian tới. Sở cũng đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân để sản xuất vụ lúa hè thu năm 2021 đạt năng suất cao.

Ven sông liên tục sạt lở

Mới đầu mùa mưa bão 2021, ngoài việc phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp hộ đê biển Tây đang chịu nguy cơ sạt lở vỡ đê, Cà Mau phải đối phó với tình trạng sạt lở ven sông đang xảy ra liên tiếp nghiêm trọng trên diện rộng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Cà Mau, từ ngày 2-10/6/2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển với tổng chiều dài hơn 810m. Thực trạng sạt lở làm hư hỏng gần 200m đường bê tông, 22 căn nhà bị sạt lở cuốn trôi, 03 trại tôm giống và một số trụ điện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, giông lốc làm tốc mái 2 căn nhà; mưa lớn diện rộng làm ngập 2.299 ha lúa. Ước tổng thiệt hại khoảng 895 triệu đồng. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay khoảng 3 tỉ đồng.

Ảnh 3 Một đoạn đê xung yếu ở Tiểu Dừa Khánh Hội U Minh đang Cà Mau được sửa chữa gia cố từ đầu năm. Tuy nhiên, do giá vật tư liên tục tăng đã ảnh hưởng tiến độ thi công. Để đối phó khẩn cấp tình hình sạt lở ven sông biển năm 2021, Cà Mau đang cần gấp nguồn kinh phí 800 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương.

Ảnh 4 Một nhà dân ở xã hàng Vịnh huyện Năm Căn đã bị cuốn trôi xuống sông vào tháng 06/2021 do sạt lở. Theo thống kê, còn khoản 7000 hộ dân đang sinh sống ven sông ở vùng có nguy cơ sạt lở.

Ảnh 5 Một con lộ huyết mạch liên xã ở Khánh Hội U Minh Cà Mau đang bị sạt lở đến gần tim lộ. Dù chính quyền địa phương và người dân đã gia cố đóng kè nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra hàng năm.

Ông Phùng Trường Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn thông tin, tình hình sạt lở trên địa bàn thị trấn diễn ra thường xuyên hàng năm, tập trung ở khu dọc theo sông Cửa lớn và Kênh Tắc. UBND Thị trấn đã chỉ đạo các khóm tuyên truyền nhắc nhở bà con cảnh giác cao độ đối với trường hợp ở các nơi sạt lở và vận động bà con di chuyển những đồ đạc nặng ra khỏi khu sạt lở, ở khu có nguy cơ sạt lở cao thì vận động bà con tháo dỡ để di dời. Còn ông Huỳnh Công Tâm, Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cho hay, vấn đề sạt lở ven sông cũng đã diễn ra nhiều năm. Nên ngay từ đầu năm 2021, xã đã xây dựng kế hoạch ứng phó và thành lập đội phản ứng nhanh để kịp thời đối phó khi có tình huống sạt lở xảy ra. Vì vậy, nhiều trường hợp đã nhanh chóng cứu giúp, bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hiện có khoảng 7.000 hộ dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở ven sông. Chính quyền địa phương và cơ quan đoàn thể các cấp đã nhiều lần vận động bà con di dời vào các khu dân cư an toàn. Tuy nhiên, rất ít người chấp nhận di dời do tập quán định cư ven sông có từ nhiều năm trước. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ quan chức năng trong vấn đề khắc phục, phòng chống hạn chế thấp nhất thiệt hại trước nguy cơ sạt lở ven sông liên tục diễn ra vào mỗi mùa mưa bão.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, tuy mới vào đầu mùa mưa bão nhưng đã có nhiều điểm ở ven sông một số huyện và đê Biển Tây sạt lỡnghiêm trọng. Nếu không có biện pháp khắc phục khẩn cấp, chắc chắn đê biển Tây sẽ bị vỡ trước các đợt bão, lũ trong thời gian tới. Hiện Cà Mau đang rất cần nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp từ Trung ương khoảng 800 tỷ đồng để khắc phục, và sẵn sàng ứng phó tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng trong năm 2021.

Biểu Quân