CÀ MAU : Có một nghề như thế

Người dân lao động ở Cà Mau với đủ các ngành nghề như đào đất, gánh nước trông coi ao tôm … Nhưng đặc biệt có một nghề mà nếu vô tình bắt gặp bạn sẽ ngỡ ngàng vì không chỉ đàn ông sức dài vai rộng, và cả phụ nữ nữa cũng làm như trâu. Đó là nghề khai thác cây đước.

Người dân khai thác cây Đước về hầm than, họ vác bó cây nặng gấp 3 lần trọng lượng cơ thể

Khi nhắc đến Cà Mau – mãnh đất tận cùng của Tổ Quốc – ai cũng biết đến xứ sở nổi tiếng về nguồn thủy hải sản ngon, vốn được thiên nhiên ban tặng. Về với Cà Mau, nơi có sóng biển rì rào, có lá Đước xôn xao. Đặc biệt là có những tâm hồn thân thương lắm, da diết lắm… Họ sống hiền hòa, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Cuộc sống cơ cực làm cho họ già đi trước tuổi, nhưng luôn nở nụ cười tươi mỗi khi gặp khách.

Tôi về Cà Mau đúng ngày khai thác cây Đước trong vuông tôm của gia đình. Cơ duyên đưa tôi đến đúng nơi khai thác. Đứng nhìn đống cây đã được cắt thành từng khúc dài tầm 1m tôi không khỏi ngậm ngùi: vì sao họ nỡ đốn hạ cây rừng như thế?

Mãi mê trong dòng suy nghĩ, bổng có người phụ nữ dáng người nhỏ thó đến gần, trông cô tầm 28-30 tuổi, dáng người đen đúa, đầu tóc bù xù, nhưng dáng vẽ chắc và nhanh lẹ bước đến gần tôi với nụ cười đon đả. Sau vài câu chào hỏi thì tôi mới biết chị đi vác cây xuống ghe đậu ngoài song. Tôi nói đùa chị có vác nổi khúc cây kía không? ( tôi chỉ khúc cây to bằng bắp chân nguòi lớn). Chị thản nhiên nói: Tôi có thể vác một lúc 10 khúc như thế! Nói vậy và chị bảo người cháu đi cùng chất cây lên vai, tôi đứng hồi hộp…

Chị vác bó cây tôi đếm được 9 khúc đi trong sự thán phục. Người cháu giải thích: Chúng tôi nghèo nên quen lao động chân tay từ nhỏ. Phụ nữ hay đàn ông đều phải lao động như vậy mới có miếng ăn! Tôi cảm thấy đắng lòng vì cuộc sống mưu sinh quá khắc nghiệt của họ.

Tôi ngước lên nhìn bầu trời đen ngòm với những cụm mây đang vần vũ báo hiệu một cơn mưa đầu mùa.

Rất tiếc là lúc đó tôi không chuẩn bị máy nên không chụp được tấm ảnh về người phụ nữ lực sĩ đó. Lòng tôi cứ quặn thắt từng cơn, nổi niềm cứ khiến tôi suy tư: nếu người phụ nữ đó là mẹ, là chị mình thì sao nhỉ?!

Lúc này tôi nhận ra giá trị cây rừng bị khai thác không thể mang so sánh với những người lao động cơ cực kia. Họ tồn tại và lo cho gia đình bằng sự vắt kiệt sinh lực; Việc ăn ngon mặc đẹp đối với họ là xa xỉ, cuộc sống của họ gắn liền với sình lầy và nặng nhọc

Hôm nay tôi trở lại Cà Mau, cũng vào tiết trời năm ấy, nhưng tôi thấy người dân đã và đang chuyển đổi cơ cấu từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi siêu thâm canh( nuôi tôm công nghệ cao), và tôi bắt gặp người phụ nữ ấy gọn gàng, sạch sẽ trong bộ áo quần công nhân chăm sóc ao tôm.

Cuộc sống của họ đã được thay đổi rõ rệt nhờ chính sách của Nhà nước phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân sản xuất theo kịp tiến bộ xã hội. Con tôm của người nông dân Cà Mau đã đi ra thế giới tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống, phát huy thế mạnh của vùng sông nước Mũi Cà Mau. và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh.

theo KTNT : LB – HOẢ LONG