CHÀO ĐÓN XUÂN KỶ HỢI 2019 Ghi nhận về những cơ hội và các yêu cầu chính sách vĩ mô năm 2019.

CẢNG BIỂN QUỐC TẾ TRẦN ĐỀ : LỰC ĐẨY KINH TẾ CỦA MIỀN TÂY

Ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), nhìn nhận đây sẽ là cảng biển đặc biệt loại IA, có vai trò cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng biển chính là bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu tải trọng 50.000 – 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ thông thương hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tập đoàn International Development Consortium (ILDC – Cộng hòa Pháp) đã có đề xuất được xây dựng dự án này với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD. Theo đề xuất của ILDC, dự án sẽ bao gồm các hạng mục cụm cảng biển quy mô 200.000 DWT, khu dịch vụ cảng và khu đô thị, công nghiệp gắn liền với cảng, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 6.000 ha.

Theo đơn vị tư vấn CMB, ông Lê Tấn Đạt cho biết khu vực bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000 ha, từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Trong đó, bến cảng Trần Đề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng -10m để đảm bảo ít bị tác động sa bồi và được kết nối với bờ bằng cầu vượt biển. 

Đơn vị tư vấn CMB đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Xây dựng đê chắn sóng dài 11,6km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 9km (10 bến than, 16 bến tổng hợp, container). Phương án 2: Xây dựng đê chắn sóng dài 13,7km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 10,6km.

Cả 2 phương án đều dự kiến tổng công suất bến cảng Trần Đề khoảng 150 triệu tấn, cỡ tàu lớn nhất có thể đón được là 200.000 DWT. Tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng hơn 4,1 tỷ USD, được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn.

Trước đó, vào tháng 5-2002, Công ty tư vấn Haecon (Bỉ), sau khi bỏ ra khoảng 2 triệu USD khảo sát cửa Định An và cửa Trần Đề, đã gửi báo cáo sơ bộ đến Tập đoàn Bosco Ward & Nopar về vấn đề này. Theo báo cáo, cảng biển ở Sóc Trăng ở vị trí rất gần hải lộ gió mùa Singapore/ Hong Kong và sát hải lộ quốc tế từ các nước phương Tây sang các nước phương Đông. Cảng sẽ có vùng tàu đậu thả neo, bến bãi chất hàng, chú trọng tiếp nhận và vận chuyển các container hàng nông thuỷ sản, phân bón…

Sự cần thiết của dự án cũng được khẳng định theo báo cáo : Hàng hoá xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long thường phải sử dụng xà lan 20 – 200 tấn, tập trung về TP.HCM, cách nơi sản xuất từ 200-400 km. Việc nhập khẩu phân bón, vật tư xây dựng… cho vùng cũng phải theo tuyến như trên, phát sinh thêm phí vận tải nội địa, bốc dỡ, phí phải trả tại cảng ở TP.HCM…

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM, trình bày về vấn đề như sau: cửa luồng Trần Đề có tọa độ 09 độ 29′ 10″ N, 106 độ 13′ 38″. Phao 0 cho tàu 175.000 DWT cách cửa luồng 27.000m. Phao 0 cho tàu 30.000 DWT cách cửa luồng 24.300 m. Luồng tàu biển có phương vị 327 độ.

Bố cục tổng thế cảng biển được chia ra các khu chức năng chính, phối hợp hỗ trợ cùng nhau trở thành một khu cảng biển phức hợp tại đầu cửa sông Trần Đề bên tả ngạn tại bãi cát ở ngoài khơi Cù Lao Dung.

Đầu tiên là khu cầu cảng cho tàu 30.000 tấn nằm ngay mép bờ biển của Cù Lao Dung, nhằm phục vụ việc xuất khẩu gạo và phân đạm, xuất nhập khẩu công-ten-nơ và sắt thép, vật tư xây dựng. Khu cảng này có diện tích mặt nước 2.000 ha có thể xây dựng lên đến 16 km cầu bến và đến 1400 ha mặt nước dành cho vùng neo chuyển tải, có khả năng xây đến 64 cầu tàu cho tàu 30.000 DWT với vai trò của một cảng tổng hợp.

Việc hình thành tổng kho lúa tại Cù Lao Dung là một cơ hội để hình thành Ngân hàng thóc nhằm cải cách toàn bộ hệ thống thương mại lúa gạo cho đồng bằng sông Cửu Long theo nguyên tắc chuyên nghiệp hóa từng khâu trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, tồn trữ, chế biến, vận tải sông biển, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học… đồng thời chia sẻ lợi ích một cách công bằng với lao động đã cống hiến trong từng khâu trong sản xuất và dịch vụ.

Kế tiếp là khu cảng chuyển tải cho tàu lớn nhất 175.000 DWT, nhằm chuyển tải than cho các nhà máy nhiệt điện tại đồng bằng sông Cửu Long.Thêm vào đó, khu chuyên tải này có thể kết hợp cho việc nhập hàng của nhà máy lọc dầu (dự kiến sẽ xây dựng kết hợp trong dự án). Với diện tích mặt nước sử dụng chuyển tải là 544 ha và độ sâu -20,93 m. Độ sâu của vùng chuyển tải than và dầu đươc thiết kế tương đương độ sâu eo Malacca -21.2m, đạt yêu cầu tối ưu cho cở tàu dầu từ Trung Đông về Đông Nam Á. 

Trong phạm vi dự án cũng đã định vị nhà máy lọc dầu và đường ống nhập dầu từ cảng cho nhà máy một cách khoa học giúp tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại. Vị trí nhà máy lọc dầu Trần Đề với diện tích rộng 1200 ha tại khu vực Cù Lao Dung, thêm lợi thế nằm không xa đường hàng hải Đông Nam Á – Bắc Á sẽ thật sự thu hút nhà đầu tư. Một khi nhà máy lọc dầu được xây dựng tại đây sẽ đóng góp thiết thực trong việc cung ứng dầu cho tàu biển quá cảnh trong khu vực. Ngoài ra một khi kênh Kra của Thái Lan được thực hiện thì vị trí Trần Đề sẽ là lợi thế rất lớn trong vấn đề cung ứng dầu cho các tàu viễn dương.

“Dự án luồng và cảng Trần Đề được đề xuất trên nền tảng sự phát hiện mới nhất về những quy luật bồi lấp bờ biển Đông Việt Nam. Đó là quy luật hình thành hệ thống đê biển bằng cát ở vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong và tại cửa Trần Đề. Dự án không chiếm đất của dân, không gây nhiễm mặn vùng trồng lúa. 

Dự án cảng nước sâu Trần Đề trước hết vì người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, giúp họ nắm bắt cơ hội làm giàu ngay trên quê hương của chính mình bằng lúa, thủy sản, trái cây và dịch vụ chế biến sâu các loại thực phẩm. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là bếp ăn cung ứng cho Việt Nam, khu vực và thế giới. Dự án mang ý nghĩa lớn về nhân đạo vì an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đây là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng sử dụng nguồn tiềm năng về địa lý để thành công như TP.HCM và thành phố Vũng Tàu.”. Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng nhấn mạnh.

 

 

NHÓM PV : MD-MT