Chợ Còng bốc hỏa, trách nhiệm thuộc về ai


     Đã một tháng trôi qua, dư âm của vụ việc cháy chợ Còng – Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xảy ra ngày 02/10/2019 ( khu chợ tạm) vẫn không thể lắng xuống, bởi vì hậu quả nó để lại không chỉ là thiệt hại nặng về kinh tế mà còn cả về đời sống sinh hoạt, công ăn, việc làm của các hộ kinh doanh trên địa bàn.

 

      Ngọn lửa bùng cháy thiêu rụi toàn bộ chợ tạm

        Tiếp xúc và trao đổi với một số tiểu thương có ki ốt kinh doanh tại chợ, chúng tôi được biết: hiện tại hầu hết chỉ sau một đêm, các hộ kinh doanh đều trở nên trắng tay, bởi vì gần như toàn bộ tài sản, vốn liếng của họ đều nằm trong những ki ốt đã bị cháy, thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Giờ đây hầu hết các tiểu thương đều trở thành những con nợ do đã cầm cố, vay mượn vốn để đầu tư chuẩn bị hàng đầu mùa thu đông và các dịp lễ. Cháy chợ, vốn liếng tiêu tan đã là một nhẽ, nhưng vấn đề nan giải ở đây là hàng trăm tiểu thương chợ Còng rơi vào tình trạng không có công ăn việc làm trong thời gian chờ khắc phục hậu quả cháy và dựng lại chợ mới. Được biết, để khắc phục hậu quả do hỏa hoạn, mỗi hộ kinh doanh tại đây sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng (thời gian hỗ trợ 3 tháng), cùng với một số chính sách hỗ trợ, miễn giảm từ các tổ chức đoàn thể, các cơ quan trên địa bàn. Thế nhưng thiết nghĩ, sự hỗ trợ đó cũng chỉ là hạt muối thả xuống biển mà thôi, bởi vì những thiệt hại mà tiểu thương chợ còng đã phải chịu không hề nhỏ, đó là công sức, là cơ nghiệp, là cuộc sống của gia đình họ.

       Bà Trương Thi Tùng, tiểu thương có 5 ki ốt kinh doanh quần áo, vải vóc trong chợ đau xót: Đó là toàn bộ tài sản, vốn liếng của gia đình tôi gây dựng trong mấy chục năm qua, bây giờ thành tro hết rồi! Ước tính thiệt hại của gia đình bà Tùng lên tới 3 tỷ đồng. Chị Hoàng Thị Dung có 10 ki ốt bán đồ gia dụng cũng bị cháy hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Cũng như bà Tùng, chị Dung, nhiều hộ khác cũng chung hoàn cảnh. Bởi vì các mặt hàng kinh doanh trong chợ tạm đều là hàng dễ cháy như quần áo, vải, hàng da dụng, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, hàng nhựa, hàng mã… nên khi xảy ra cháy, nếu ko được phát hiện kịp thời thì rất khó cứu chữa.

 

 

                  Chợ Còng (Tĩnh Gia) tan hoang sau đám cháy

   Xét về mặt quy mô, chợ còng là trung tâm thương mại lớn nhất của huyện Tĩnh Gia đã hoạt động được hơn 30 năm, chưa từng xảy ra sự cố đáng tiếc nào để lại hậu quả nặng nề như lần cháy chợ tạm này. Được biết đây là khu chợ tạm do công ty Thương mại và Đầu tư xây dựng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) làm nhà thầu, theo dự án nâng cấp cải tạo chợ Còng được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt xây dựng chợ hạng I.

Xin được lần lại quá trình xây dựng và thực hiện dự án để bạn đọc tham khảo:

Năm 2017, trước sự xuống cấp nghiêm trọng của chợ Còng, và nhu cầu giao thương của địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, cải tạo và nâng cấp chợ Còng, giao cho UBND huyện Tĩnh Gia triển khai thực hiện. Thế nhưng trong quá trình thực hiện mời thầu, mở thầu của dự án này lại bộc lộ những dấu hiệu thiếu khách quan, minh bạch từ ban đầu (mở thầu không đúng quy trình quy định trong luật đấu thầu, chấm thầu thiếu khách quan). Điều này đã được phản ánh thông qua rất nhiều tin bài của các cơ quan báo chí và cũng được xác minh khẳng định bằng văn bản của các cơ quan chức năng, cụ thể: Văn bản 4488/SKHĐT- TĐ ngày 25/09/2017 khẳng định: Việc mở thầu một lần cả hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính là chưa đúng quy định; bên mời thầu có sự châm chước trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu. Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành thanh tra quy trình lựa chọn nhà thầu dự án và có kết luận công bố ngày 08/12/2018 công nhận việc hồ sơ mời thầu không đánh số trang, bên mời thầu không thực hiện đúng phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ; hồ sơ dự thầu của công ty Đông Bắc không đánh số trang, không đóng dấu giáp lai. Trong buổi mở thầu, công ty Đông Bắc trúng thầu với giá 9,59 tỷ thấp hơn bên trượt thầu gần 6 tỷ (giá thầu HTX đầu tư xây dựng và quản lý khai thác chợ Hải An, Công ty TNHH Hải Âu và Công ty Đầu tư xây dựng-Thương mại Sơn Vũ đưa ra là 15.5 tỷ).

Thông qua những tình tiết đó, đặt ra một vấn đề: Năng lực nhà thầu xét trên các phương diện đã thực sự xứng đáng với số điểm chấm thầu 95,5 điểm hay chưa?

Ngay sau khi đóng thầu, các doanh nghiệp tham gia thầu đã có đơn kiến nghị về quy trình mở, chấm và chọn thầu lên các cơ quan chức năng yêu cầu làm sáng tỏ.

Bất chấp những vấn đề đó, chợ cũ vẫn được tháo dỡ để thi công chợ làm mới. Chợ tạm được dựng lên tương đối kiên cố nhưng cũng không mấy khoa học hợp lý về mặt thực tiễn sử dụng và phòng chống cháy nổ. Cấu trúc chợ bí, thấp ( chiều cao hơn hơn 3m) và giao thông hẹp (1m), hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ không có. Đành rằng đây là chợ tạm, nhưng vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ ở chợ trong hoàn cảnh nào cũng phải được coi trọng. Và với cấu trúc của chợ Còng tạm nếu xảy ra cháy nổ sẽ rất khó khống chế và cứu chữa, hậu quả thiệt hại sẽ là rất lớn. Và thực tế đã chứng minh điều đó, chợ cháy, toàn bộ tài sản vốn liếng của hơn 200 hộ kinh doanh với gần 300 ki ốt đã hóa thành tro.

Nói về Ban quản lý chợ: Trong sự việc đáng tiếc xảy ra đêm 02/10, vai trò của Ban quản lý chợ đặt ở đâu? Theo thông tin chúng tôi được cung cấp từ các tiểu thương thì mỗi tháng, các  hộ kinh doanh phải nộp 300 ngàn đồng tiền bảo vệ, tiền điện, nước. Thế nhưng khi xảy ra cháy, tổ bảo vệ trực đêm hôm đó đã ở đâu, làm gì? Tại sao khi đám cháy bùng phát đến mức không thể khống chế nữa mới được phát hiện?

Sự việc cháy chợ đêm 02/10 cũng là một bài học quá đắt cho công tác quản lý phòng chống cháy nổ tại các chợ và Trung tâm thương mại mà các cơ quan chức năng, ban quản lý chợ, cũng như các hộ kinh doanh cần rút ra. Tại các chợ, trung tâm thương mại, là những loại hình cơ sở được xếp loại đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng, vì vậy công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cần đặc biệt được quan tâm và tuân thủ nghiêm túc. Cần có biện pháp rà soát kiểm tra, đảm bảo các điều kiện về PCCC, thẩm duyệt về PCCC đối với chợ khi tiến hành cải tạo , xây mới, đảm bảo điều kiện nguồn nước chữa cháy tại chỗ. Ban quản lý chợ cũng cần siết chặt công tác PCCC, tổ chức bảo vệ trực 24/24 giờ, đặc biệt là vào ban đêm.

Mặt khác Ban quản lý chợ và bà con tiểu thương cũng cần thực thi nghiêm túc vấn đề tham gia Bảo hiểm cháy nổ đã được quy định tại Nghị định Số: 23/2018/NĐ-CP Hà Nội, ngày 23/ 02/ 2018, quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Theo đó chợ cũng là một đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ  bắt buộc, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra.

Trở lại với sự cố đáng tiếc tại chợ Còng tạm. Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân cháy chợ. Tuy nhiên đối với các hộ kinh doanh bị thiệt hại, điều họ quan tâm nhất là: ai sẽ chịu trách nhiệm trước toàn bộ tài sản, vốn liếng của họ đã gửi gắm tại chợ? Câu hỏi đó cần được trả lời thẳng thắn, khách quan!

                                                                            NGỌC THÚY