CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN VÀ BẢN SẮC VIỆT NAM

Tin từ Asean.org :  ASEAN là tổ chức liên kết của khu vực Đông Nam Á, được tạo dựng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ủng hộ hòa bình khu vực, và phát triển văn hóa giữa các thành viên.

ASEAN được thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 1967 với năm quốc gia thành viên đầu tiên là: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Các quốc gia gia nhập sau đó: Vương quốc Brunei (ngày 8 tháng 1 năm 1984), Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (ngày 28 tháng 7 năm 1995), Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 23 tháng 7 năm 1997), Liên bang Myanmar (ngày 23 tháng 7 năm 1997), Vương quốc Campuchia (ngày 30 tháng 4 năm 1999).

Hai quan sát viên và ứng cử viên: Papua New Guinea: quan sát viên của ASEAN. Cộng hoà dân chủ Đông Timor: ứng cử viên của ASEAN.

Khẩu hiệu của ASEAN là “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) được thành lập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre với các sản phẩm được chế biến từ dừa tại Hội chợ Thương mại Trung Quốc- ASEAN (CAEXPO) và CABIS (Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – ASEAN) lần thứ 15, chiều 11-9-2018 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi 2019, cùng nhìn lại mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các thành viên AEC.

Xuất khẩu thuỷ sản sang ASEAN có thể đạt 1 tỷ USD trong tương lai gần

Hiệp hội chế biết và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong 20 năm qua, ASEAN là đối tác thương mại thủy sản lớn của Việt Nam và luôn là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu (XK) thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sang ASEAN đã tăng gấp 9 lần sau 23 năm trở thành viên của khối này. Cộng đồng gắn bó mật thiết về địa lý văn hóa, kinh tế hy vọng sẽ tạo ra một thị trường XK 1 tỷ USD trong tương lai gần.

Theo VASEP trong 20 năm qua, XK thủy sản của Việt Nam sang ASEAN có tốc độ tăng trưởng không ổn định, tuy nhiên có xu hướng ngày càng tăng trong 10 năm trở lại đây.

Những ngày đầu năm 2019, các nhà máy tăng cường thu mua cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre… với giá dao động khoảng 29.000-32.000 đồng/kg, đây là mức giá đảm bảo cho người nuôi có lãi 

Thái Lan, Singapore và Philippines là 3 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, có giá trị tăng trưởng lần lượt là 48,1%; 25,1% và 39,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị XK cá tra sang thị trường Thái Lan đạt 67,5 triệu USD. Đây là thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN, chiếm 36,8% tổng XK sang cả khu vực. Việt Nam là thị trường cung cấp cá thịt trắng lớn nhất của Thái Lan, trong đó, sản phẩm nhập khẩu (NK) chủ yếu là cá tra phile đông lạnh với giá trị NK trung bình từ 4,4 – 6,9 triệu USD/tháng và khối lượng NK từ 2.000 – 3.750 tấn/tháng.

Ngoài sản phẩm cá tra Việt Nam, Thái Lan cũng NK một số sản phẩm cá thịt trắng khác. Đến thời điểm hiện tại, NK cá tra phile đông lạnh của Thái Lan vẫn khá ổn định, nhu cầu tốt. Được biết, trong năm 2018, ngoài Thái Lan, XK cá tra sang hai thị trường Singapore và Philippines cũng đạt mức tăng trưởng cao với giá trị đạt lần lượt 42,3 triệu USD và 37,4 triệu USD.

Theo VASEP, tiềm năng đẩy mạnh XK thủy sản sang ASEAN vẫn còn rất lớn. Thủy sản vốn là nguồn thực phẩm quan trọng với người dân khu vực ASEAN từ bao đời nay. Với tổng dân số hiện khoảng 632 triệu người, nhu cầu thủy sản ở ASEAN là không nhỏ và tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Nếu như vào năm 2015, nhu cầu thủy sản ở ASEAN là 24,5 triệu tấn, thì đến 2030 dự kiến sẽ là 36,9 triệu tấn và 41,7 triệu tấn vào 2050. Tiêu thụ thủy sản theo đầu người dự kiến sẽ tăng từ 38,4kg/người/năm lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và 61,5 kg/người/năm vào năm 2050. Thương mại thủy sản ở khu vực ASEAN đã đạt 20 tỷ USD/năm và dự báo sẽ tăng khoảng 3,7%/năm trong những năm tới.

Với nhu cầu lớn như trên, cùng với việc AEC được thành lập, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để gia tăng XK sang các nước trong khu vực, nếu tăng cường được khả năng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng. Qua đó, XK thủy sản sang ASEAN có thể đạt mốc 1 tỷ USD trong thời gian không xa.

Nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong hợp tác khu vực ASEAN

Tại Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra cam kết “Là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam rất coi trọng các tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN”.

Với thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 2.600 tỷ USD, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực, trong đó thương mại nông sản giữ một vị trí quan trọng với gạo, thủy sản, rau quả… là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này, với trị giá chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Vì vậy, hợp tác nông lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

“Mặc dù ra nhập sau vào Cộng đồng ASEAN nhưng đã có nhiều lĩnh vực nhờ tận dụng khoa học kỹ thuật mà chúng ta đã bứt phá, đi tắt đón đầu để đi cùng các nước ví dụ như thuỷ sản, chứ không phải lúc nào cũng đi sau. Do đó, chúng ta xác định, phải tận dụng cho được những có hội mang lại trong nội khối và đặc biệt là những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, nhằm thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu lại nông nghiệp. Đồng thời tranh thủ ở ASEAN+3 để mở rộng thêm thị trường nhất là thị trường Nhật Bản 129 triệu dân, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường đã cho biết như vậy về giải pháp trọng tâm để Việt Nam bước đi cùng các nền kinh tế ASEAN trong cuộc đua hội nhập.

Các vấn đề mà Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa trong năm nay, gồm : (1) Tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực.

(2) Hợp tác thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa và thúc đẩy nông sản ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

(3) Thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công tư trong sản xuất nông ngư nghiệp, tăng cường vai trò của cộng đồng và khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.

(4) Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác khuyến nông, khuyến ngư trong khu vực thông qua các hoạt động đào tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.

Nhóm PV KT : KD – M T – NT