ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG GIỐNG LÚA CHẤT LƯỢNG CAO CHIẾM 70 %

Báo cáo của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị Sơ kết trồng trọt vụ đông xuân 2018-2019 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa 2019 các tỉnh Nam Bộ vừa được tổ chức tại Trà Vinh cho thấy, diện tích lúa vụ Đông Xuân vùng ĐBSCL 2018-2019 tăng cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên năng suất toàn vùng lại giảm 0,02 tạ/ha.

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị

Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2018-2019 vùng Nam Bộ trong khi có lũ trung bình, chủ động sản xuất an toàn dựa trên dự báo  khô hạn và xâm nhập mặn để bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý nên đạt kết quả khả quan. Tổng diện tích xuống giống toàn vùng là 1.638.309 ha, tăng hơn 30.109 ha; năng suất bình quân ước đạt 68,35 tạ/ha, tăng 0,01 tạ/ha so cùng kỳ năm trước. Lịch xuống giống vụ đông xuân này được các địa phương đẩy lên sớm hơn năm trước, chủ yếu tập trung vào tháng 11 và 12 năm 2018, các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn được xuống giống trong tháng 10 để an toàn khi lúa chín. Các trà lúa chính vụ xuống giống trong tháng 11 và 12 năm 2018 chịu tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài ở thời gian sinh trưởng dinh dưỡng và trỗ bông. Nên năng suất không cao như kỳ vọng.

Biểu đồ diện tích lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL 2018-2019

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay nông dân quan tâm hơn đến việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương đạt tỷ lệ 77%; lúa chất lượng cao, lúa thơm nhẹ là các giống mà chúng ta kỳ vọng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trong tương lai. Hiện tại, giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 70%, các giống còn lại dưới 30%; chương trình phát động giảm khối lượng giống gieo sạ đang có bước chuyển tích cực; dù không phải là mùa vụ chính chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, nhưng vẫn chuyển đổi cây trồng đạt gần 33 nghìn ha. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được duy trì và phát triển như: cánh đồng lớn hơn 170 nghìn ha tăng hơn 10 nghìn ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ; sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Mặc dù trong điều kiện sản xuất còn nhiều bất lợi, đạt kết quả trên là có sự phối hợp chặc chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất từ các cơ quan trung ương đến các địa phương; với quyết tâm cao, đánh giá đúng các nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất như nguồn nước, chất lượng nước, tình hình diễn biến dịch hại và những quy luật phát sinh, phát triển, dự báo tình hình tiêu thụ lúa gạo để có kế hoạch ứng phó phù hợp và linh hoạt.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp, đang ảnh hưởng lớn trong ngành chăn nuôi. Vì vậy, vụ hè thu 2019 là vụ rất quan trọng, trồng trọt phải thắng lợi về năng suất, bảo đảm diện tích, bảo đảm sản lượng. Cần có biện pháp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững. Do đó, phải xác định cây trồng chủ lực theo lợi thế so sánh từng vùng, từng địa phương; đồng thời áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ giống đến quy trình canh tác, vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Doanh nhấn mạnh.

Cục Trồng trọt cũng đề nghị cácSở Nông nghiệp & PTNTvùng ĐBSCL: Tăng cường công tác bố trí, sắp xếp lịch thời vụ sản xuất lúa hợp lý, hiệu quả, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng mạnh mẽ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng, đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, dự tính, dự báo sản lượng và chủng loại lúa gạo, một số nhóm, giống cây ăn trái chủ lực; tổ chức, phối hợp quản lý vùng trồng một số cây trồng chủ lực: lúa, cây ăn quả, cây ngắn ngày, chủ động xây dựng vùng nguyên liệu liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Vùng Đông Nam Bộ: Chăm sóc, bảo vệ cây công nghiệp, quản lý việc mở rộng phát triển cây ăn trái theo hướng tập trung, kiểm soát chất lượng giống và áp dụng mạnh mẽ các kỹ thuật canh tác tiên tiến.

Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch, triển khai và theo dõi tình hình sản xuất lúa; theo dõi chặt chẽ sản xuất lúa ở các tiểu vùng sinh thái và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng thủy văn ổn định sản xuất trồng trọt.

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu 2019, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1.692.000 ha, giảm 1.477 ha so với cùng kỳ, năng suất 56,29 tạ/ha, tăng 1,63 tạ/ha. Trong đó, Đông Nam Bộ gieo sạ 89.000 ha; năng suất: 53,25 tạ/ha, sản lượng 474 nghìn tấn, tăng 9 nghìn tấn so với cùng kỳ 2018. đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1.603.000 ha; năng suất: 56,46 tạ/ha, tăng 1,66 tạ/ha; sản lượng 9.051 nghìn tấn, tăng 258 nghìn tấn so cùng kỳ 2018.

Cục Trồng trọt cũng đề ra lịch thời vụ, cơ cấu giống cụ thể cho từng vùng, đề nghị các địa phương tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo; tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung từng cánh đồng theo dự báo nguồn nước và dự báo rầy nâu di trú, rầy nâu tại chỗ; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

QM