HIỆP ĐỊNH CPTPP, THÀNH ĐOÀN TNCS HCM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ KHOA HỌC KINH TẾ TRẺ

Nhằm đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam và để xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ về những cơ hội, thách thức, vị thế và định hướng chính sách của Việt Nam khi gia nhập CPTPP, hướng tới xây dựng một đội ngũ nghiên cứu kinh tế có năng lực, tạo ra những sản phẩm khoa học đạt chuẩn mực và ngang tầm quốc tế về chất lượng học thuật, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Khoa học Kinh tế trẻ với chủ đề “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam”. Hội nghị với sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Nhà Xuất bản Khoa học Kỹ thuật.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư, kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách rõ nét hơn, nhanh hơn hiện tại. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức mới khi gia nhập tổ chức này.

Ngày 11/01/2019 tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh – cơ sở Hồ Hảo Hớn (35-37 Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q.1). Tham gia Hội nghị là sinh viên, học viên, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện, cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc các trường, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành khu vực phía Nam.  Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được 40 bài báo khoa học của 22 đơn vị đăng ký tham gia. Trải qua vòng phản biện từ Hội đồng Khoa học, 25 bài báo khoa học đã được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội nghị Khoa học trẻ có chỉ số ISBN 978-604-67-1193-311 bài tham luận được trình bày tại Hội nghị.

Chương trình Hội nghị gồm 2 phiên: Phiên Toàn thểcác Phiên Tiểu ban.

Phiên toàn thể với sự tham báo cáo tham luận của 2 chuyên gia kinh tế về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm:

  1. Tham luận “Gia nhập CPTPP: Ai nhận quả ngọt, ai nếm trái đắng?” do TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách Công, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) trình bày.
  2. Tham luận “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các FTA góp phần thực hiện giấc mơ thịnh vượng của Việt Nam” do TS. Phạm Văn Chắt, Giảng viên cao cấp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày.

Phiên Tiểu ban

Tiểu ban 1 – Tác động của Hiệp định CPTPP đến nền kinh tế Việt Nam với 06 bài tham luận sẽ tập trung vào các nghiên cứu cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Á cho Việt Nam, chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP – những khó khăn đối với Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á và tác động của Hiệp định CPTPP đến ngành nghề xuất nhập khẩu của Việt Nam như ngành hàng đồ gỗ, may mặc, giày da, thực phẩm,…

Tiểu ban 2 – Tác động của Hiệp định CPTPP đến lực lượng lao động trẻ với 06 bài tham luận sẽ thảo luận về CPTPP và sự chuẩn bị của lực lượng lao động trẻ Việt Nam khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực; Cơ hội, thách thức và giải pháp để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong tiến trình hội nhập CPTPP, mô hình đồng bộ bốn bên để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm Việt trong kỷ nguyên CPTPP,…

Poster giới thiệu thông tin vể 12 bài tham luận sẽ được trưng bày tại khu vực triển lãm của Hội nghị.

Sau Hội nghị, các báo cáo chất lượng và xuất sắc sẽ được tuyên dương và trao giải với cơ cấu giải thưởng gồm 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba và các giải Khuyến khích. Các báo cáo chất lượng và tốt nhất sẽ được chấp thuận chỉnh sửa và công bố trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam – Bộ Khoa học Công nghệ (Số A – ISSN: 1859 – 4794, Số B – ISSN: 1859 – 4794, Số C – ISSN: 2525 – 2461), là tạp chí uy tín Việt Nam được tính điểm trong 17 chuyên ngành của Hội đồng Giáo sư cấp Nhà nước. Các báo cáo còn lại đạt giải sẽ công bố trên Tạp chí của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và Chuyên san Phát triển Khoa học Công nghệ – Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (ISSN: 2354-1105) được chấp nhận và bảo trợ thông tin công bố bởi Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam – Bộ Khoa học Công nghệ.

Cơ cấu và giá trị Giải thưởng của Hội nghị:

  • 02 Giải Nhất: 3.000.000 đồng/giải.
  • 02 Giải Nhì:             2.000.000 đồng/giải.
  • 02 Giải Ba:          1.000.000 đồng/giải.
  • Các Giải Khuyến khích: 500.000 đồng/giải.

Bạn đọc quan tâm đến Hội thảo CPTPP, vào https://goo.gl/gp83el.

                                                                                                      PV KINH TẾ