HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG TRONG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐBSCL
(TN&MT) – Chiều ngày 17/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sự tham gia của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập hỗ trợ cộng đồng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đây là chuổi sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn ĐBSCL năm 2019 của Chính phủ do Bộ TN&MT phối hợp chủ trì.
Phát biểu khai mạc, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH; đặc biệt, ĐBSCL là nơi chịu nhiều tổn thương, thiệt hại nhất. Mặc dù sự quan tâm và các giải pháp đề ra tuy nhiều nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn, tình hình diễn biến ngày càng phức tạp khó lường do tác động kép của tai biến thiên nhiên và tai biến do con người gây ra trên lãnh thổ cũng như ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, căn cứ vào các sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp được trao đổi tại Hội thảo hôm nay, sẽ tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập đóng góp các đề xuất tới Diễn đàn về các giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH, từ thực tiễn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các sáng kiến cộng đồng của các tổ chức.
Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học đã chia sẻ những thông tin quan trọng về vai trò của VUSTA trong việc hỗ trợ cộng đồng BVMT, thích ứng với BĐKH; sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong quản trị nước ở ĐBSCL; từ rác thải đến tài nguyên: vai trò của phụ nữ và truền thông; giải pháp năng lượng bền vững cho ĐBSCL; ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu và chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, thu hút đầu tư và cải thiện sinh kế cho nông dân các tỉnh ĐBSCL;…
Qua đó, các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận về các khuyến nghị gửi đến Diễn đàn ĐBSCL về các giải pháp hỗ trợ cộng đồng ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL. Cụ thể, thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, các cơ quan của Chính phủ tiếp tục tổng hợp kết quả nghiên cứu gần đây ở trong nước và quốc tế liên quan để xây dựng và chi tiết hóa kịch bản và các phương án ứng phó BĐKH vùng ĐBSCL bảo đảm tính khoa học, khả thi, phát huy hiệu quả tổng hợp của các dự án, chương trình.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn ĐBSCL tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức ngoài công lập tham gia các hoạt động ứng phó với BĐKH, nhất là trong một số lĩnh vực trọng tâm như xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp; quản trị nước, năng lượng bền vững, BVMT, phòng chống thiên tai….
Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức trong phát triển các giải pháp năng lượng bền vững. Cụ thể như, dành ưu tiên chính sách và tài chính để triển khai việc tiếp cận điện tái tạo của các hộ dân chưa tiếp cận được điện lưới; xây dựng cơ chế chính sách thí điểm mở đường cho việc phát triển tích hợp, kết hợp năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch; tạo điều kiện để các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện chuyển giao kiến thức, hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng và ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.
Bạch Thanh
H1:Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
H2: Toàn cảnh Hội thảo