Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN), chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Doanh nghiệp gặp sức ép rất lớn về chi phí đầu vào, vốn tín dụng, nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất – kinh doanh, để hỗ trợ; Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lập tức tháo gỡ vướng mắc, rào cản 

Ngày 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN), chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Trong số những bài tham luận, kiến nghị. Đại diện Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch có bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội AFT, về Hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực Nông nghiệp Nông thôn

Đối mặt nhiều khó khăn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định khu vực DN thời gian qua có nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng cùng hiệu quả của việc kiểm soát dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, DN vẫn phải đối mặt nhiều thách thức khi chi phí nguyên – nhiên – vật liệu đầu vào, logistics tăng cao trong bối cảnh tiếp cận tín dụng khó khăn và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ đã xảy ra.

Về phía đại diện DN, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nêu rõ đối tác xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam là Trung Quốc vẫn còn áp dụng chính sách “zero Covid” gây tắc nghẽn cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. 

Lạm phát của Mỹ và châu Âu ảnh hưởng đến sức mua, khiến đơn hàng có xu hướng giảm. Xung đột Nga – Ukraine đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng gấp khoảng 3 lần so với trước đó. Trong nước, vấn đề thiếu hụt lao động là trở ngại lớn với DN dệt may thời gian tới.

Ở ngành thủy sản, nguồn vốn để duy trì hoạt động là bài toán nan giải. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho hay chi phí sản xuất của ngành đã tăng nhiều lần so với trước. Trong đó, thức ăn chăn nuôi tăng giá trên 20%, chi phí vận chuyển đi bờ Tây nước Mỹ lên đến 400 triệu đồng/container… Trong khi đó, nhiều ngân hàng đang cạn room (hạn mức) tín dụng và thông báo không cho vay khoản vay mới, khiến DN không có thêm nguồn tài chính cho kế hoạch thu mua nguyên liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhấn mạnh “bão giá” vật liệu xây dựng cùng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 khiến ngành gặp nhiều khó khăn. Điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh bởi chi phí lớn, dẫn đến hầu hết DN xây dựng có nợ đọng từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng. “DN xây dựng phải vay ngân hàng để bảo đảm thi công. Nợ đọng khiến DN đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ” – ông Hiệp lo lắng.

Trong lĩnh vực hàng không, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam, cho biết thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, song thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019 nhưng doanh thu lại không tương ứng do giá nhiên liệu và một số chi phí đầu vào tăng. Các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Hàng loạt kiến nghị

Trước khó khăn về chuỗi cung ứng, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may năm 2021-2030, tầm nhìn năm 2030-2045; thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề vải, nhuộm, hóa chất… “Câu chuyện này liên quan đến xử lý nước thải nên nhiều địa phương không mặn mà, chúng tôi đề nghị các địa phương hỗ trợ. Cần bảo đảm nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại” – ông Cẩm đề nghị.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Chính phủ ưu tiên lãi suất với DN xây dựng để giải quyết bài toán nợ đọng, vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần hướng dẫn các ngân hàng bổ sung ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, nhất là dự án trọng điểm. Cũng liên quan bài toán vốn, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa, kiến nghị cấp bù lãi suất để thúc đẩy ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho DN nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến – chế tạo, chuỗi liên kết… Ngoài ra, có thể kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023.

Ngoài ra, ông Tô Hoài Nam còn khuyến nghị Chính phủ xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và việc làm; khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm để giải bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động. 

Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm. Đặc biệt, Chính phủ có thể thiết kế gói kích thích kinh tế với phương châm “một mũi tên chỉ cần trúng một mục tiêu” thay vì “một mũi tên trúng nhiều mục tiêu” để bảo đảm an toàn.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kiến nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý song vẫn bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu.

Đại diện ngành sản xuất, lắp ráp ôtô – xương sống của nền công nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco), kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt theo hướng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được khấu trừ phần nội địa hóa vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật Phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, tạo hành lang pháp lý để thu hút DN đầu tư, phát triển, sản xuất công nghiệp…

Tích cực tháo gỡ

Trước kiến nghị về vốn tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống. Việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng theo quy định. “Thời gian tới, NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh phần tăng trưởng tín dụng còn lại. Lãnh đạo NHNN ghi nhận kiến nghị của cộng đồng DN để tham mưu Chính phủ có chính sách phù hợp” – Thống đốc NHNN khẳng định.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành bảo đảm cung – cầu hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện, than… để hỗ trợ DN. Song song đó, bộ sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp; khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan thông tin bộ này đã giao một cơ quan chuyên trách để hỗ trợ những vấn đề mà hiệp hội ngành hàng phản ánh. “Những khó khăn mà hiệp hội hay DN đối mặt thì tự thân họ không thể giải quyết được; cần sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý. Vấn đề nào thuộc Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ chủ động giải quyết; nội dung nào thuộc phạm vi liên bộ thì chúng tôi sẽ chủ động mời các bộ cùng tham gia” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, thách thức, thậm chí cả hy sinh, mất mát, mà các DN phải đối mặt trong thời gian qua. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các DN tiếp tục phát huy truyền thống “đồng cam cộng khổ” cùng đất nước và nhân dân nỗ lực, chủ động, sáng tạo, biến “nguy” thành “cơ”.

Để hỗ trợ cộng đồng DN, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc, rào cản với hoạt động sản xuất – kinh doanh. Cụ thể, giao Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng dự án thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm thuế, phí xăng dầu và các nguyên – nhiên – vật liệu đầu vào cho sản xuất – kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu; đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục cải cách thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho DN; chống tham nhũng – kể cả tham nhũng vặt, tiêu cực, sách nhiễu, thủ tục lòng vòng…

Về lâu dài, Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Theo đó, các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò đẩy mạnh kết nối, giúp các DN thành viên cùng nhau vượt khó, thích ứng với giai đoạn mới; đổi mới mô hình sản xuất – kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, lãnh đạo Chính phủ lưu ý các DN quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị DN. 

THAM LUẬN NỔI BẬT CỦA CÁC DN

Ông PHẠM TẤN CÔNG, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Khai thông gói hỗ trợ lãi suất 2%

Để tái cấu trúc và phục hồi sau dịch, sức ép tài chính cho các DN rất lớn. Nguồn vốn, tài chính là mạch máu cho DN. Việc bảo đảm nguồn vốn cho DN từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng. Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, cần khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% bảo đảm cân đối với việc nới room tín dụng. Đây là vấn đề rất khó và NHNN đang phải xử lý.

Bên cạnh đó, các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó khăn vì thiếu hụt nhân lực. Làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên toàn cầu sau khi dịch Covid-19 bùng phát đòi hỏi Việt Nam cần có nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội. Bên cạnh giải pháp từ phía Chính phủ, rất cần sự tham gia của DN để thực hiện mô hình kết nối nhà nước – nhà trường – DN trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tập trung cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực mà DN vẫn còn gặp nhiều phiền hà, như: đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường…

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:

Cần thêm thông tin để tiếp cận thị trường

Trở lại hoạt động sau dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, DN rất vui mừng khi Chính phủ đưa ra nhiều chương trình, gói hỗ trợ, cho thấy sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của nhà nước đối với DN. Tuy nhiên, việc tiếp cận các gói hỗ trợ rất phức tạp. Đơn cử, với gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, nhiều DN hiện chưa được nhận để chuyển cho công nhân – lao động. Hay như gói hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng, DN mặc dù rất quan tâm nhưng cũng rất lo lắng, chưa dám hạch toán vì sợ rủi ro hạch toán sai sẽ bị cơ quan thuế phạt. Còn gói hỗ trợ lãi suất 2% vốn được ví như chiếc phao cứu sinh giúp DN có thêm khoản tài chính để đầu tư, phát triển thì đại đa số DN cũng chưa tiếp cận được. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do nhiều ngân hàng chưa nhiệt tình hỗ trợ, ngại rủi ro nếu quyết toán sai.

Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ khi đưa ra chủ trương hỗ trợ thì cần có biện pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng để cơ quan nhà nước và DN thực hiện. Từ đó, cơ quan nhà nước xóa được nỗi lo sai sót, DN được nhận hỗ trợ có thêm niềm tin. Còn như hiện tại, các gói hỗ trợ tài chính của nhà nước chưa thật sự hiệu quả, không ít DN ví các gói này như “miếng bánh vẽ”.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và trong nước đè nặng, thông tin thị trường vô cùng quan trọng. Chúng tôi mong các tham tán thương mại tại nước ngoài tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về nhu cầu, đặc thù thị trường, văn hóa tiêu dùng, điều kiện bán hàng…, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, từ đó tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Liên quan đến thủ tục hành chính, ở một số cơ quan, một bộ phận cán bộ chưa theo kịp tiến trình chuyển đổi số nên gây chậm trễ, khó khăn, phiền hà cho DN. Nếu chuyển đổi số tích cực hơn và chuyển đổi tâm lý, thái độ làm việc của cán bộ hiệu quả hơn thì DN sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Vietravel:

Mức giảm thuế GTGT 2% là quá ít

Ngành du lịch nói chung cũng như Vietravel nói riêng đưa ra 3 chiến dịch: rã đông, phục hồi, phát triển. Sau rã đông là phục hồi. Trong giai đoạn này, sức ép về tài chính rất lớn. Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn để phục hồi ngành du lịch.

Mức giảm thuế suất thuế GTGT chỉ 2% là quá ít, nên xem xét nâng mức giảm lên 5% với ngành du lịch bởi ngành này có tính lan tỏa, tác động rất lớn. Các gói giãn, giảm về tài chính có tác dụng quá ngắn và không nhiều đối với DN trong ngành bởi chủ yếu hỗ trợ trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, thị trường chưa hoạt động trở lại.

Ngoài ra, hầu như DN du lịch không tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% bởi nhiều rào cản. Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp nhưng tài sản của DN trong 2 năm dịch đều thế chấp hết. DN lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, trong khi các yếu tố này không thế chấp được.

Ông NGUYỄN VĂN THỨ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT):

Hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Hầu hết thành viên hiệp hội là DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở vùng nông thôn. Sự hồi phục của DN sau khi dịch Covid-19 khá chậm do sức mua yếu trong khi chi phí sản xuất tăng cao, biên lợi nhuận giảm.

DN kỳ vọng được vay gói lãi suất ưu đãi 2% để có vốn mồi đầu tư cải tiến máy móc, bao bì, nhãn mác nhưng khó tiếp cận. Còn các gói vay thương mại thông thường cũng đang bị các ngân hàng giải ngân chậm lại để góp phần kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, do đầu tư tại nông thôn, tài sản thế chấp được định giá rất thấp nên hạn mức được vay nhỏ so với nhu cầu thực tế của DN. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để có thể đầu tư bền vững vào nông nghiệp, giúp phát triển vùng nông thôn và đời sống bà con nông dân.

                                                                                                                                                                                                                 Theo NLĐ