Kết nối cung cầu nông sản chủ lực vùng đồng bằng Sông Cửu Long

          Ngày 31/8/2018 tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ và Cục Kinh tế hợp tác và PTNT – Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổ chức Diễn đàn Kết nối cung cầu nông sản chủ lực vùng ĐBSCL.

Chương trình nhằm đẩy mạnh việc kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL), qua đó định hình các sản phẩm chủ lực để có hướng quy hoạch vùng sản xuất đáp ứng chuổi giá trị trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong điều kiện biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL hiện nay,

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, góp khoảng 18% GDP toàn quốc, sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước, sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây và thủy sản (cá tra, tôm…). Đặc điểm của ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL và nhu cầu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0.

Trong nông nghiệp, cây lúa chiếm diện tích lớn, đang gánh vát vai trò an ninh lương thực và xuất khẩu. Ngoài ra, ngành chăn nuôi, cây ăn trái và hoa màu đã cung cấp một lượng lớn cho thị trường trong nước và nước ngoài. Có thể nói vùng ĐBSCL sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng, không những cho vùng mà cho cả nước…

Sản phẩm tham gia kết nối cung cầu tại hội nghị

Theo báo cáo tham luận của TP. Cần Thơ với vị trí là trung tâm vùng ĐBSCL là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường sông và đường bộ, đường biển và đường hàng không, là điểm giao lưu kinh tế lớn trong vùng Tứ giác Long Xuyên, cũng như vùng kinh tế trọng điềm vùng ĐBSCL. Tp.Cần Thơ phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo giống và các loại hình dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp…, trong đó sản xuất lúa, cây ăn trái và thủy sản là ba chuỗi giá trị sản xuất nông sản chủ lực của thành phố.

Hiện Tp.Cần Thơ đang triển khai thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) cùng với các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang theo Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 15/5.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, giai đoạn 2016- 2020, Tp.Cần Thơ thực hiện hỗ trợ sản xuất và liên kết chuỗi sản xuất trên quy mô 30.000 ha đất lúa (chiếm 34% tổng diện tích đất trồng lúa của Tp.Cần Thơ.

Tại diễn đàn đại diện các cơ quan Cục Hợp tác và PTNT- Bộ Nông nghiệp, đại diện Sở Nông nghiệp PTNT các tỉnh, các diễn giả, tập đoàn, công ty trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình, thực trạng, giải pháp về công tác quy hoạch, chính sách khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm chủ lực, định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để nhanh chóng hình thành chuỗi liên kết, kết nối hiệu quả sản xuất với tiêu dùng; vai trò của doanh nghiệp phân phối và bán lẻ.

Trong khuôn viên diễn đàn, có khoảng 25 đơn vị, doanh nghiệp cơ sở sản xuất của Tp. Cần thơ trưng bày sản phẩm tham gia kết nối cung cầu và hơn 50 doanh nghiệp, HTX đến từ các tỉnh tham gia trưng bày các loại sản phẩm chủ yếu là trái cây, rau củ, thủy sản, thực phẩm sơ chế và chế biến…sản phẩm đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long.

Tây Nam