KIÊN GIANG: CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐOÀN KẾT CÙNG PHÁT TRIỂN
Tỉnh Kiên Giang có 27 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, dân số hơn 440.450 hộ, khoảng 1,8 triệu người, với 3 dân tộc có dân số đông là Kinh, Khmer và Hoa.
Trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số 66.521 hộ, khoảng 285.550 người, chiếm 15,4% dân số toàn tỉnh, gồm: Khmer 56.782 hộ, khoảng 237.867 người, chiếm hơn 13%; Hoa 9.350 hộ, khoảng 37.165 người, chiếm hơn 2% và còn lại là các dân tộc thiểu số khác.
Bà Đặng Tuyết Em – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trao bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III năm 2019.
Là tỉnh nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có biên giới, đường thủy, đường bộ và hải đảo, có đồng bào DTTS Khmer với 56.782 hộ, 242.602 khẩu (chiếm 13,4% dân số), đông nhất tỉnh và đứng hàng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Trong 3 năm (2016 – 2018), tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 194 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ về nước sạch, đất ở, đất nông nghiệp, vốn phát triển sản xuất.
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, những năm qua, tỉnh huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó đã vận động xây hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; xây dựng trên 50 cầu bê tông, 800 cây nước bơm tay, hàng chục km đường giao thông nông thôn trị giá hàng chục tỷ đồng.
Người dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn từ ngân hàng chính sách xã hội
Các chương trình, dự án, đề án, chính sách trong vùng đồng bào DTTS giúp vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển, đời sống của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước hợp vệ sinh, sử dụng điện ngày càng tăng; 100% xã trong vùng đồng bào DTTS có lộ giao thông nông thôn đến trung tâm xã; 100 xã trong vùng đồng bào DTTS có trạm y tế; 7/9 xã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; 40 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận là xã nông thôn mới.
Các chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo bền vững,… được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm trên 3%. Đội ngũ cán bộ người dân tộc ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo thuận lợi nhiều trong việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.
Phấn đấu đến năm 2024, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào DTTS góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn khoảng 3%, hộ gia đình chính sách là người dân tộc không còn hộ nghèo, người Hoa cơ bản không còn hộ nghèo; có trên 99% hộ dân tộc có điện sinh hoạt, trên 95% hộ sử dụng nước sạch, cơ bản không còn nhà xiêu vẹo, tạm bợ; các trường, lớp vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố, huy động trẻ em DTTS trong độ tuổi (6 – 14 tuổi) đến trường đạt từ 98% trở lên, đẩy mạnh việc dạy và học chữ Khmer, Hoa.
Cần tạo điều kiện để hầu hết đồng bào dân tộc được chăm sóc sức khỏe, thực hiện tốt vệ sinh môi trường vùng đồng bào DTTS. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, gắn với phát triển kinh tế – xã hội ở các địa bàn xung yếu, trọng điểm.
Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đề nghị các cấp, các ngành phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung về dân tộc và công tác dân tộc, trong đó, tập trung các nguồn lực và tổ chức có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng có đông đồng bào DTTS theo hướng phát triển nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, điện, đường, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất…
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các DTTS duy trì, phát huy các hoạt động văn hóa, sinh hoạt lễ hội truyền thống tốt đẹp. Phải thường xuyên quan tâm, nắm chắc tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của đồng bào DTTS…
Ông Danh Phúc – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Giai đoạn 2019 – 2024, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các chính chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 – 2024 một cách đồng bộ và hiệu quả. Thực hiện tốt các chính sách phát triển và nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số”
Trương Anh Sáng