KỶ NIỆM QUỐC KHÁNH CÁC NƯỚC ASEAN, hoptacphattrien.vn GIỚI THIỆU NỀN CHÍNH TRỊ VĂN HOÁ, KINH TẾ, DU LỊCH… PHONG TỤC MYANMAR
Ngày 4-1- 1948 ngày Quốc khánh Myanmar, quốc gia này trở thành một nước cộng hòa độc lập, với cái tên Liên bang Myanmar, với Sao Shwe Thaik là tổng thống đầu tiên và U Nu là thủ tướng. Không giống như đa số các thuộc địa của Anh, nước này không trở thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh bởi vì họ đã giành lại độc lập trước khi Khối thịnh vượng chung cho phép các nước cộng hòa trở thành một thành viên của nó.
Một hệ thống chính trị lưỡng viện được thành lập gồm Viện đại biểu và Viện quốc gia. Vùng địa lý hiện nay của Myanmar có thể suy ngược từ Thỏa ước Panglong, là toàn bộ Miến Điện gồm Hạ Miến và Thượng Miến và Các vùng biên giới, đã từng được quản lý hành chính độc lập bởi Anh Quốc.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 71 Quốc khánh Myanmar, Hợp tác và Phát triển xin được điểm lại vài nét về mối quan hệ Việt Nam – Myanmar.
VIỆT NAM – MYANMAR: ĐỐI TÁC HỢP TÁC TOÀN DIỆN, CÙNG HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Myanmar là một trong những nước có quan hệ hữu nghị sớm nhất với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, Việt Nam đặt cơ quan liên lạc đầu tiên tại Yangon. Năm 1948, hai bên nhất trí nâng cấp cơ quan liên lạc thành Văn phòng Thông tin tuyên truyền và đến 1957, nâng cấp thành Tổng lãnh sự quán. Ngày 28-5-1975, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và đặt Đại sứ quán tại hai nước.
TS : Luận Thùy Dương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar.
Quan hệ đối tác hợp tác toàn diện
Tháng 11-1954, Thủ tướng U Nu sang thăm Việt Nam, ký Tuyên bố chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” làm cơ sở quan hệ hai nước. Tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar, trong Tuyên bố chung, Myanmar khẳng định ủng hộ việc thống nhất Việt Nam theo Hiệp định Geneva. Kể từ đó, mối quan hệ Việt Nam – Myanmar luôn được nuôi dưỡng, củng cố và phát triển. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8-2017, hai bên đã ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác toàn diện”.
Theo Tuyên bố chung, quan hệ Việt Nam – Myanmar được xác định với một khuôn khổ mới là quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện trên tất cả các mặt, trong đó có năm lĩnh vực trụ cột: i) Hợp tác chính trị; (ii) Hợp tác quốc phòng và an ninh; (iii) Hợp tác kinh tế; (iv) Hợp tác văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân; và (v) Hợp tác khu vực và quốc tế.
Với khuôn khổ quan hệ mới, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư được chú trọng, đạt nhiều kết quả to lớn. Kim ngạch thương mại đạt 548,3 triệu USD năm 2016, vượt mục tiêu 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Năm 2017, kim ngạch hai chiều đạt 828,3 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016.
Việt Nam trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 70 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỷ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar được thành lập và hoạt động tích cực. Một số dự án có hiệu quả, tiêu biểu như: Trung tâm Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, đường bay thẳng Việt Nam-Myanmar của Vietnam Airlines và Vietjet Air, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mạng viễn thông của Viettel tại Myanmar (Mytel)… Đến nay, Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp hiện diện tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.
Hợp tác an ninh – quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, với nhiều nội dung hợp tác mới như: giao lưu sĩ quan trẻ, đào tạo tiếng Việt và tiếng Myanmar; quân y; công nghiệp quốc phòng; quản lý biên giới, chống di cư bất hợp pháp, chống buôn lậu…
Hai nước cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, giáo dục, tạo đà cho các chương trình hợp tác, giao lưu về văn hóa, giáo dục, thể thao giữa hai nước.
Cùng hướng tới tương lai
Quan hệ hai nước đã phát triển trên nhiều mặt, trên tinh thần cùng có lợi, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, và hiện có rất nhiều thuận lợi để đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.
Thuận lợi lớn là lãnh đạo hai nước luôn duy trì trao đổi và thống nhất trên nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể. Hai bên có cơ chế họp thường niên Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tham khảo chính trị, an ninh, quốc phòng, có Tiểu ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại. Hằng năm, hai bên đều tổ chức các hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại mỗi nước. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 4-2018) của bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, hai nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện bằng việc xác định rõ hơn phương hướng hợp tác, trong hiện tại và tương lai.
Hai nước đã nhấn mạnh việc trao đổi đoàn các cấp và trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, Chính phủ và Quốc hội; nhất trí coi hợp tác chặt chẽ trên kênh Đảng là một trụ cột quan trọng. Đồng thời, giao lưu nhân dân sẽ góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Lãnh đạo hai nước đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác về thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông-lâm-ngư nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, xây dựng, giáo dục, y tế, tư pháp, năng lượng-dầu khí, du lịch, giao thông vận tải và viễn thông.
Chính phủ hai nước đã làm rõ nội hàm quan hệ đối tác Hợp tác Toàn diện là trong toàn diện cần sâu sắc, càng sâu sắc, càng toàn diện. Hai nước sẽ sớm ký Chương trình hành động giai đoạn 2018-2023 để triển khai quan hệ đối tác Hợp tác Toàn diện một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, hai nước không chỉ có lịch sử cùng nhau đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, mà nhân dân hai nước còn có nhiều gắn bó do văn hóa tương đồng. Đây là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa và xây dựng cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước một cách toàn diện cũng có không ít thách thức và trở ngại. Một là, hợp tác trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng luôn có nhiều nhạy cảm. Từ góc độ song phương, cả hai nước vừa phải chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình ổn định chính trị, giữ vững an ninh, thúc đẩy cải cách kinh tế vừa phải tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Trên bình diện đa phương, hai nước cùng là thành viên ASEAN, vừa phải thể hiện là các thành viên có trách nhiệm đóng góp vào tiếng nói chung của Hiệp hội, vừa phải giữ gìn để quan hệ song phương không cản trở hợp tác đa phương và ngược lại.
Hai là, những vấn đề chính trị nội bộ phức tạp của Myanmar đang buộc Chính phủ phải tập trung nhiều nguồn lực để giải quyết, thì việc có một chính sách đối ngoại ổn định là một thách thức không nhỏ.
Chia sẻ và học hỏi lẫn nhau
Myanmar mở cửa và hội nhập quốc tế sau Việt Nam nhưng cho đến nay Chính phủ dân sự của Myanmar vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để thực sự hội nhập và phát triển ổn định. Myanmar gặp khó khăn trong các vấn đề chính trị nội bộ lẫn triển khai các chương trình kinh tế-xã hội và trên trường quốc tế. Khủng hoảng nhân đạo tại bang Rakhine đã trở thành tâm điểm của các chỉ trích và sức ép của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Myanmar là đất nước tràn đầy nhựa sống. Chính phủ, dù là chế độ nào, đều thể hiện quyết tâm cao, cố gắng không mệt mỏi cho hòa bình, cho hòa giải dân tộc và phát triển. Người dân Myanmar yêu chuộng hòa bình, hiền hòa, chăm chỉ làm ăn và có lòng tự tôn dân tộc rất cao, sẽ đưa đất nước Myanmar tiến về phía trước.
Trong giai đoạn này, vai trò của cá nhân bà Aung San Suu Kyi rất quan trọng. Bà không chỉ là biểu tượng của nền dân chủ ở Myanmar mà còn là con gái của Tướng Aung San, người đã dẫn dắt cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, nên bà là người có thể kết nối 135 dân tộc Myanmar, kết nối dân sự với quân sự và dẫn dắt cả hai tiến trình quan trọng ở Myanmar hiện nay là tiến trình hòa bình và tiến trình dân chủ. Bà cũng là nhà ngoại giao xuất sắc, có thể giúp Myanmar vượt qua các sức ép quốc tế, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập và tự cường. Bà có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đất nước mà Cha bà đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng quan hệ.
Myanmar luôn coi Việt Nam là người bạn truyền thống, là đối tác tin cậy trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế khu vực và thế giới. Myanmar luôn bày tỏ mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, đổi mới và cải cách của Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện và triển khai phát triển quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện với Myanmar. Việt Nam đã, đang và nên tiếp tục thể hiện là một đối tác tin cậy, chia sẻ sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Myanmar.
Việt Nam cần chia sẻ kinh nghiệm nhưng cũng nên học hỏi nhiều ở Myanmar, đặc biệt là về việc quản lý các thành phần kinh tế tư nhân, quản lý đầu tư nước ngoài, phát triển nền giáo dục phổ thông tiên tiến và gìn giữ nền văn hóa truyền thống lâu đời.
DU LỊCH XUẤT NGOẠI DỊP TẾT KỶ HỢI 2019 ; YANGON LÀ LỰA CHỌN HẤP DẪN
Yangon hấp dẫn du khách bởi rất nhiều công viên, hồ nước, chùa chiền, những con phố nhộn nhịp và người dân thân thiện.
Vì sao nên đến Yangon?
Một chuyến du hành đến thành phố cổ xinh đẹp của Myanmar hứa hẹn mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Yangon không nhiều trung tâm thương mại sầm uất, không nổi bật với những trò chơi giải trí hiện đại, nơi đây quyến rũ du khách bằng văn hóa đặc sắc, kiến trúc chùa chiền, không gian xanh với rất nhiều công viên và hồ nước.
Lý do thứ hai bạn nên cân nhắc, đó là nhiều hãng bay khai thác đường bay thẳng đến Yangon, xuất phát từ sân bay Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất giúp cho việc đi lại thuận tiện và nhanh chóng. Vé máy bay đi Yangon cũng không đắt, nếu săn được vé giá rẻ thì lại càng ‘hời’.
Lý do thứ ba: Yangon là điểm đến tiết kiệm. Chi phí sinh hoạt ở Yangon được đánh giá tương đối dễ chịu, từ dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho tới các điểm tham quan du lịch. Một chuyến đi chơi Yangon tự túc trong 4 ngày 3 đêm sẽ vào khoảng 5 – 7 triệu đồng/người.
Thêm một lý do nữa, bạn không cần mệt mỏi xin visa vẫn có thể nhập cảnh và lưu lại Myanmar trong 14 ngày với điều kiện: Hộ chiếu phổ thông còn giá trị ít nhất 06 tháng, có vé khứ hồi (hoặc vé đi tiếp nước khác), chứng minh tài chính bản thân đủ khả năng chi trả trong suốt thời gian du lịch.
Lưu ý về tiền tệ: Đồng Kyat (đọc là Chạt) là loại tiền tệ được sử dụng ở Myanmar. Bạn có thể đến các quầy thu đổi ngoại tệ tại sân bay Yangon (Yangon International Airport) đổi từ USD ra tiền Kyat. Tỷ giá ngoại tệ ở sân bay sẽ thay đổi liên tục. Tùy theo thời điểm, 100 USD sẽ đổi được từ khoảng 88.400 đến 90.000 Kyats.
Tiền Kyat có 03 loại mệnh giá là: 20, 1.000 và 5.000. Trong đó, loại 20 Kyats mới toanh, loại 1.000 Kyats thì cũ và xỉn màu hơn. Trong cuộc sống và các sinh hoạt hàng ngày, người dân Myanmar thường sử dụng loại 20 Kyats và 1.000 Kyats bởi sự tiện lợi, loại 5.000 Kyats thường được dùng để chi trả cho những món hàng giá trị cao.
Đến Yangon thì xem gì, đi đâu, có món nào ngon?
- Dịch vụ lưu trú ở Yangon
Nếu du lịch tự túc, bạn nên chọn ở hostel hoặc homestay. Yangon tuy không quá phát triển loại hình dịch vụ lưu trú này như các thành phố du lịch khác, nhưng vẫn đủ những lựa chọn cho bạn trong tầm giá phải chăng. Hostel và homestay thường nằm trong khu dân cư, diện tích nhỏ gọn nhưng tiện ích và sạch sẽ.
Ngoài ra, thành phố có khá nhiều khách sạn thuộc khu vực trung tâm, dich vụ tốt nhưng giá chắc chắn cao hơn hostel và homestay. Để lựa chọn được điểm nghỉ ngơi như ý, bạn nên tham khảo qua các ứng dụng xem phòng – chọn phòng sẵn có như Booking, Agoda…
Lưu ý về ứng xử khi du lịch Yangon: Khi thăm các đền chùa và các khuôn viên tôn giáo khác của Phật giáo, bạn phải để đầu trần và đi chân đất, không đội mũ hay đi giày dép, đi tất, không được mặc quần sock, áo phông quá mỏng, váy quá ngắn vào đền chùa.
Cần tìm hiểu quy định về thời gian, địa điểm được chụp ảnh nếu có, nên xin phép người được chụp ảnh, quay phim. Khi tiếp xúc với các nhà sư, không nên bắt tay mà chắp tay chào.
- Các điểm tham quan nổi bật
Chùa Shwedagon. Được xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, chùa Shwedagon được lưu truyền là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật. Ngọn tháp chính của chùa cao tới 98 m và được bao phủ bằng hơn 30 tấn vàng và hàng trăm viên kim cương. Đây là một trong những công trình kiến trúc nổi bật nhất ở Yangonm, cũng là điểm tham quan văn hóa – tâm linh bạn nên ghé thăm. Giờ mở cửa: 4g sáng – 22g tối mỗi ngày, Giá vé vào cổng: 8.000 Kyats (khoảng 8 USD).
Chùa Sule. Không chỉ là ngôi chùa mang ý nghĩa về tôn giáo và lịch sử của Yangon, ngôi chùa này còn được xem là một cột mốc định vị cho thành phố. Chùa Sule nằm ở vị trí trung tâm, là nơi giao nhau của những con đường lớn và đẹp nhất ở Yangon. Giờ mở cửa: 6g sáng – 20g mỗi ngày. Giá vé vào cổng: 3 USD.
Bảo tàng quốc gia Myanmar. Là điểm đến giúp bạn có thể tìm hiểu về hiện vật lịch sử văn hóa của đất nước Myanmar. Nơi đây có một khối lượng đồ sộ những hiện vật quý hiếm, đặc biệt là những món đồ liên quan đến hoàng gia Myanmar. Giở mở cửa: Từ 9g30 sáng đến 16g30 từ thứ ba đến chủ nhật (bảo tàng đóng cửa vào thứ hai và các ngày lễ). Giá vé vào cổng khoảng 5 USD.
Thăm tượng Phật nằm khổng lồ tại chùa Chauk Htat Gyi. Là một quốc gia Phật Giáo do vậy du khách sẽ không hề khó khăn khi tìm kiếm một ngôi chùa tại Yangon. Chauk Htat Gyi cũng là một ngôi chùa nổi tiếng tại Yangon, được xây dựng từ năm 1907, có chiều cao bằng một tòa nhà 6 tầng. Điểm đặc biệt tại chùa Chauk Htat Gyi là bên trong đặt một bức tượng Phật nằm khổng lồ được tạc năm 1966, dài 65 mét cao gần 30 mét. Tượng Phật đầu quay về hướng Đông và mặt quay hướng Nam. Chùa được mở cửa suốt 24 giờ trong ngày và du khách được miễn phí vé khi vào cổng.
Công viên Kandawgyi. Nếu bạn là người yêu thích thiên nhiên, và muốn đi dạo ở một nơi yên tĩnh và nhẹ nhàng thì nơi đây chắc chắn là điểm nên ghé qua. Đi dạo tại công viên, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những loại cây và hoa đẹp, mà còn được ngắm nhìn nhiều loại động vật quý hiếm.
Ở Yangon có rất nhiều chợ, là nơi tập trung nhiều sản vật địa phương mà bạn nên ghé qua.
Phóng sự ảnh: Cân bằng cuộc sống ở Myanmar
Được biết đến với những cái tên như “mảnh đất vàng” hay “xứ sở của nụ cười”, Myanmar hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ cổ kính và đẹp bình dị đến ngỡ ngàng.
Gba Majay Mymar là quốc ca của Myanmar
Lời:
Gba majay Mymar pyay
Dobo bwa myay si mo chi myano bey.
Byay daungtsu go athé bay loo do ka kwe mlay.
Da do byay da do myay way myay.
Do byay do myay adjogo nyinya zwa do dudway.
Taung saung ba tso lay do dawon bay apo dan myay
Dịch nghĩa:
Trường tồn như thế giới này, Myanmar muôn năm!
Chúng ta yêu nơi đây bởi ta được kế thừa mảnh đất này từ tổ tiên.
Trường tồn như thế giới này, Myanmar muôn năm!
Chúng ta yêu nơi đây bởi ta được kế thừa mảnh đất này từ tổ tiên.
Chúng ta sẽ không tiếc thân mình để bảo vệ tổ quốc,
Đây là đất nước của chúng ta, mảnh đất của chúng ta và nó thuộc về chúng ta
Đây là đất nước và mảnh đất của chúng ta, vậy chúng ta hãy giữ gìn một quốc gia thống nhất
Đó là trách nhiệm đối với tổ quốc vô giá không gì có thể đắp đổi.
MƯỜI MỘT ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI KINH DOANH Ở MYANMAR
Để kinh doanh ở Myamar, nên tìm hiểu thật kỹ về luật pháp, chính sách thuế, do giá mặt bằng rất cao.
Thời gian qua sản phẩm của công ty tôi đã “chinh chiến” thành công ở một số nước Đông Nam Á. Qua quá trình làm kinh doanh tôi học được rất nhiều điều từ những thất bại và thành công ở thị trường này, từ đó đúc kết ra một số kinh nghiệm.
Mỗi quốc gia sẽ có một nền văn hóa khác nhau, nền tảng chính trị và luật pháp cũng rất khác nhau. Hôm nay tôi sẽ nói về việc kinh doanh ở Myanmar.
- Tìm partner: Đây là giai đoạn cực kỳ gian nan và vất vả. Các bạn có thể mất rất nhiều thời gian và công sức thậm chí mất rất nhiều tiền nếu hợp tác sai partner. Ở đất nước nào cũng vậy, cũng có người xấu kẻ tốt, để làm ăn thành công bạn phải tìm hiểu cho kỹ ông chủ của công ty mà bạn dự tính hợp tác kinh doanh, xem họ có là người có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp ở đó hay không.
Cách tốt nhất là nên tìm người Việt đã kinh doanh ở Myanmar để nhờ họ kết nối giúp (tuy nhiên bạn cần phải hiểu rõ người đó, nếu không chính bạn sẽ bị “ta đánh ta”).
- Luật pháp Myanmar chưa cho phép 100% vốn nước ngoài kinh doanh thương mại, bạn phải liên doanh với người địa phương (trừ một số ngành nghề mà chính phủ ưu tiên). Chính vì lệ thuộc vào người bản địa nên cũng gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
- Sở hữu đất đai: Công ty nước ngoài không được phép sở hữu đất đai, mà phải thông qua công ty liên doanh với người địa phương. Chính vì lẽ đó, hiện tại ở Myanmar không có nhiều công ty đầu tư lớn vào việc sản xuất công nghiệp. Những vị trí đất đẹp ở Yangon còn rất nhiều nhưng hỏi ra là của quân đội sở hữu và giá đất cũng tương đương giá đất phía Nam của Việt Nam.
- Luật đầu tư của Myanmar có nét tương tự như Việt Nam ở thời kỳ đầu mở cửa, chính phủ chỉ ưu tiên cho mô hình liên doanh giữa công ty địa phương và công ty nước ngoài, người địa phương góp vốn bằng đất đai.
- Chi phí đăng ký kinh doanh: Trọn gói khoản 7 triệu đồng Việt Nam (theo Peter – một người bạn tôi ở Myanmar)
- Chi phí văn phòng: Văn phòng và khách sạn hiện tại đang thiếu trầm trọng, do đó giá thuê văn phòng rất đắt. Hầu hết các văn phòng ở Myanmar rất cũ kỹ (kinh doanh cho thuê văn phòng và khách sạn là lĩnh vực phát triển rất tốt ở Myamar)
- Chi phí nhân sự: Mức lương bình quân của công nhân khoảng 120 USD, do đó chi phí tiền lương bạn chỉ trả bằng 50% chi phí ở Việt Nam.
- Con người: Người Myanmar xuất phát từ đất nước nông nghiệp và đạo Phật là quốc đạo nên họ rất hiền lành (cũng khá chậm chạp). Họ vẫn còn nét “tình làng nghĩa xóm” như Việt Nam trước đây, do đó để làm ăn được ở đây, việc cố gắng kết bạn với người địa phương là điều nên làm.
- Sản xuất: Myanmar chủ yếu là làm nông nghiệp, họ chưa phát triển được sản xuất về tiêu dùng và công nghiệp nên chủ yếu nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị từ Thái Land và Nhật Bản.
- Xe hơi: Ở Myanmar, xe hơi nhập khẩu từ Nhật và châu Âu, nên giá rất rẻ, cứng cáp, đẹp và tiện dụng (có thể tốt hơn xe mới ở Việt Nam). Toàn bộ thành phố Yangon có rất nhiều xe hơi (hơn 2 triệu chiếc). Thành phố Yangon kẹt xe kinh khủng, do đó bạn cần lưu ý khi đi lại.
- Giờ làm việc: 9g sáng đến 5g chiều và không nghỉ trưa.
Tóm lại để kinh doanh ở Myanmar, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về luật pháp, chính sách thuế, do giá mặt bằng rất cao. Việc cần làm là nên đầu tư nguyên nhóm, bao gồm nhiều công ty Việt Nam để giảm chi phí mặt bằng và các chi phí khác. Chia sẻ thông tin, nguồn lực và quan hệ là việc bắt buộc phải làm (hãy học cách làm như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản thì khả năng thành công mới cao). Một công ty đơn độc sẽ rất khó để kinh doanh ở thị trường này.
Ngoài ra, luật pháp cũng còn nhiều rào cản do đó việc thiết lập quan hệ với những bạn bè địa phương Myanmar cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, để làm ăn lâu dài thì việc thiết lập quan hệ với các quan chức quân đội là điều không thể tránh khỏi.
Nhóm PV chuyên đề Kinh tế Asean biên soạn KD- MT- NT, dựa theo CEO Nano Technology USA