Ở xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá : Bị chiếm đoạt tài sản trắng trợn, nhưng chưa xử lý thoả đáng
Đi lại quá thân thiết và có mối quan hệ thân tình như anh em ruột nên hai ông Nguyễn Văn Cẩm và ông Lê Văn Sáng (cùng trú tại thôn Bắc Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã góp tiền mua chung 3,8 ha đất lâm nghiệp làm rẫy. Hơn 15 năm làm chung hai bên gia đình không có vấn đề gì xảy ra cho đến khi hai ông mất đi thì đã xảy ra tranh chấp, chiếm đoạt.
Mảnh đất hai gia đình mua sau hơn 15 năm làm chung bị chiếm đoạt
Theo nội dung đơn khởi kiện từ phía gia đình anh Nguyễn Văn Bằng(con trai ông Cẩm) có trình bày sự việc như sau: Năm 2002 ông Nguyễn Văn Cẩm và ông Lê Văn Sáng đã bàn nhau mua chung một mảnh đất để trồng cây của gia đình ông Lê Văn Nghiên cùng thôn có diện tích 3,8 ha với số tiền là 12.000.000 đồng. Nhưng khi đó 2 bên mua bán đã bàn với nhau chỉ làm trong giấy tờ là 5.000.000 đồng để giảm lệ phí con dấu. Trước đó, anh Nguyễn Văn Bằng sinh năm 1976 là con ruột ông Nguyễn Văn Cẩm được ông Sáng, bà Mai (vợ ông Sáng) nhận làm con đỡ đầu. Bên cạnh đó gia đình ông Cẩm và gia đình ông Sáng có mối quan hệ thân tình như anh em ruột nên toàn bộ thủ tục để cho ông Sáng đứng tên chuyển nhượng.
Khi khai phá, gia đình anh Nguyễn Văn Bằng (con trai ông Cẩm) và gia đình ông Lê Văn Sáng cùng phát rẫy, ươm giống trồng cây bạch đàn.Đến năm 2011 ( lúc này bố a Bằng đã mất năm 2007) khi cây đến tuổi thu hoạch thì anh Bằng và vợ chồng ông Sáng, bà Mai cùng thu hoạch. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí mỗi hộ được 60.000.000đ (sáu mươi triệu đồng). Sau đó, anh Bằng và gia đình ông Sáng, bà Mai tiếp tục trồng dặm, phát chồi chăm sóc cây chung mà không có tranh chấp, khiếu kiện gì. Năm 2018 bà Mai lên tiếng bán cây và cho người vào khai thác (ông Sáng đã mất). Nhận được tin vợ chồng anh Bằng lên gặp bà Mai để nói chuyện thì nhận được câu trả lời: “Rãy của tôi thì tôi làm tôi phát và tôi chưa bao giờ mua chung với ai cả“.
Phải chăng giá đất tăng cao thì tình người sẽ mất?
Như kết quả giải quyết tin báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tĩnh Gia: “Từ năm 2002 đến năm 2005 anh Nguyễn Văn Bằng có cùng gia đình ông Lê Văn Sáng, bà Mai trồng cây trên diện tích 3,8 ha nêu trên. Năm 2011 đã thu hoạch chung một lần, sau đó hai bên tiếp tục trồng dặm, phát chồi chăm sóc cây chung. Vì vậy, ngày 28/4/2018 anh Nguyễn Văn Bằng thuê người cắt một phần cây trên diện tích đất nêu trên là không đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Quy định tại Điều 178, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo Biên bản hòa giải của UBND xã Phú Sơn tiến hành 2 lần vào ngày 4/5/2018 và ngày 15/5/2018 thì 100% ý kiến của người tham gia đều có quan điểm là: Từ trước đến nay đã chung chia với nhau thì bây giờ cũng phải chia nhau thì mới thấu tình đạt lý và đảm bảo sự đoàn kết thôn xóm. Mặt khác, qua phân tích của người dân tại khu dân cư có diện tích đất tranh chấp đều khẳng định, rẫy này có sự chung chia từ trước tới nay là đúng thực tế, hiện tượng chung nhau rừng rẫy để một người đứng tên trên địa bàn xã là có. Kết thúc 2 buổi hòa giải, anh Bằng thống nhất theo ý kiến của các thành viên tham gia. Còn phía bà Mai vẫn không hợp tác thậm chí chửi bới Hội đồng hòa giải, có những lời nói khó nghe mang tính chất không cần cấp xã và bỏ ra về, cả 2 lần bà Mai đều không ký vào biên bản.
Được biết, phía Cơ quan CSĐT Công an huyện Tĩnh Gia đã mời bà Mai lên làm việc nhưng bà Mai không trực tiếp lên mà ủy quyền cho em dâu là Lê Thị Tuyết đến Cơ quan điều tra làm việc với lý do không đủ sức khỏe để làm việc. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tĩnh Gia không ghi được lời khai của bà Mai. Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tĩnh Gia cũng triệu tập 3 người con chung của bà Mai và ông Sáng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến Cơ quan điều tra làm việc. Tuy nhiên, các con của bà Mai cũng không đến nên cũng không ghi được lời khai.
Báo cáo về việc giải quyết tranh chấp đất và cây lâm nghiệp trên đất của UBND xã Phú Sơn
Theo ông Nguyễn Quý Do Chủ tịch xã Phú Sơn cho biết : Sự việc vẫn chưa được giải quyết, 2 lần hòa giải bất thành vì phía gia đình bà Mai không hợp tác, việc này nếu không giải quyết thấu đáo dễ dẫn đến hậu quả nặng nề.
Tráo trở phủ nhận sự thật với cả nhân chứng sống và người đã mất!
Theo ý kiến của người dân cùng thôn và những cá nhân liên quan đến quá trình làm chung của 2 hộ gia đình như sau: “Tôi rất thân với hai bên gia đình, ngày trước tôi có lên hỏi vay tiền của ông Sáng để giải quyết công việc nhưng thấy ông Sáng bảo chú cũng đang phải đi vay tiền để mua chung đất với nhà ông Cẩm. Tôi nghĩ hai bên gia đình nên đoàn kết với nhau, nếu mua chung thì nên chia đất ra” ( ý kiến của ông Trần Thế Huyên). “Theo tôi được biết thì đây là bãi cây nhà anh Sáng và nhà anh Bằng chung nhau trồng và bây giờ bán chia đôi vì năm 2011 thu hoạch tôi làm cho nhà anh Sáng Mai còn anh Lê Hữu Hùng được anh Bằng thuê khai thác nửa còn lại (ý kiến của anh Nguyễn Xuân Châu). ” Tôi được biết hai bên gia đình có mua chung vì khi anh Bằng cưới vợ xong đang có sẵn tiền và vàng nhưng vẫn xuống gia đình tôi vay tiền, tôi có hỏi vay tiền để làm gì thì anh Bằng bảo vay tiền để mua phần đất của ông Cẩm chung với ông Sáng. Nếu không mua chung tôi tin chắc rằng anh Bằng không dám đến tranh chấp. Tôi thấy nên nhờ chính quyền chia đất ra cho hai bên gia đình” (ý kiến của ông Hồ Đình Hải).
Biết rõ mảnh đất là tài sản chung của hai gia đình, ngay cả khi khai thác anh Bằng là người đứng ra làm hồ sơ khai thác và nộp tiền lệ phí. Khai thác xong anh Bằng có nhã ý chia đôi đất để làm cho tiện thì ông Sáng nói:” Đời tao và đời bay làm chung, cho đến đời con tao và con bay cứ thế mà làm chung”. A Bằng có thuê anh Tọa lai giống keo từ Nghệ An ra trồng. Năm nào hai gia đình cũng lên làm chồi chung và đến gần đây bà Mai một mình lên làm, chúng tôi (gia đình a Bằng) lên hỏi thì bà Mai trả lời: “thấy nhà mày bận với lại hôm nay làm cũng được rồi chấm công ra đến nữa tính sau“.
Giấy tờ chuyển nhượng mua bán là một phần rất quan trọng nhưng quá trình làm và khai thác thu hoạch chung của hai bên gia đình hơn 15 năm qua thực tế. Sự thật ấy được người dân trong thôn và những người liên quan làm chứng, nếu không mua chung (như lời khai của bà Mai) thì tại sao phải cùng làm, cùng thu hoạch và mọi việc liên quan đến mua bán tài sản trên đất đều phải có sự thống nhất giữa hai gia đình.
Thiết nghĩ, lòng tham nổi lên họ có thể tráo trở phủ nhận sự thật với người đã mất, hòng chiếm đoạt tài sản công sức của nhau thì đúng là không có nỗi đau nào lớn hơn…Sự việc như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi để tình cảm cá nhân liên quan đến tài sản kinh tế. Tuyệt đối không nên để anh em, bạn bè, họ hàng…đứng tên trên tài sản của mình mà không ký tên hay lưu lại giấy tờ nào, vì chúng ta không thể biết sau đó sẽ xảy ra những chuyện gì. Theo Luật Thừa kế, không may người đó qua đời thì tài sản sẽ được chia lại cho vợ, chồng, bố mẹ, con cái của họ…
Đề nghị các Cơ quan chức năng huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa kiểm tra, làm rõ để giải quyết thỏa đáng cho người dân!
Cường Thúy