THÔNG TIN BÁO CHÍ HỘI NGHỊ EVFTA

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/8/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì.

Hội nghị là cơ hội để các hiệp hội, ngành hàng, địa phương nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định thương mại tự do mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên ầm cao mới, cạnh tranh quốc tế. Tại hội nghị, các doanh nghiệp sẽ trực tiếp đối thoại với hai Bộ trưởng về cơ hội và thách thức cũng như hướng tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực hiện chủ trương, chính sách về “mở cửa, hội nhập quốc tế”, hơn 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của đất nước và đưa Việt Nam vượt qua nhóm các nước có thu nhập thấp. Nông nghiệp đã đạt được tăng trưởng nhanh, ổn định trong một thời gian dài, đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực; đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 10 năm 2008 – 2017 đạt 2,66%/năm và năm 2018 đạt 3,76% là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh nông nghiệp ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường NLTS toàn cầu. Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới; đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thông qua hình ảnh một Việt Nam ổn định, an ninh lương thực và có trách nhiệm với thế giới… 

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS tăng nhanh, tiếp tục, trong 10 năm (2008 – 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ

1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, gạo; tôm; đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại (FTA), nhất là FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường. Việt Nam hiện đang thực hiện  12 FTA và tiếp tục đàm phán các FTA mới, trong số đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa ký kết ngày 30/6/2019, nó cũng là nội dung chính mà chúng ta cùng trao đổi ngày hôm nay tại Hội nghị này.

EVFTA là một FTA thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Namcó sự dịch chuyển mạnh mẽ. Dự kiến sau khi có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm; đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như cà-phê (hiện 0 – 11,5%); hạt tiêu (0 – 4%); mật ong tự nhiên (17,3%); khoảng 50% số dòng thuế cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ.

Một cơ hội lớn khác đó là, tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với khoa học – công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.

Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các FTA mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cải cách thể chế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm trong nước… 

Bên cạnh các cơ hội, thuận lợi nêu trên, khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Các Hiệp định được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho thương mại và đầu tư; từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn, nâng cao năng suất và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống, giảm đói nghèo… đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức lớn, do đó cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, cả về nhận thức, hiểu biết và đặc biệt là về chính sách, thể chế./.