Thông tin sâu đục thân cây gây hại hàng chục ngàn ha điều là không chính xác

Ngày 23/10, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp quản lý sâu đục thân, cành hại điều để xác minh loại sâu bệnh hại này có nguy cơ bùng phát thành dịch hay không cũng như tìm biện pháp quản lý sắp tới.

Trước đó, cuối tháng 9/2018, thông tin trên một số báo, đài cho biết nhiều vườn điều ở tỉnh Bình Phước bị sâu đục thân, cành tấn công gây hại trên diện tích hơn 20.000 ha, dẫn đến chết cây, suy giảm năng suất nghiêm trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục BVTV Lê Văn Thiệt cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Cục BVTV đã lập đoàn công tác, phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đi kiểm tra xác minh. Sau khi xác minh, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết không hề cung cấp con số này

 

Theo báo cáo mới nhất về tình hình sâu bệnh hại trên cây điều ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tính đến thời điểm hiện nay diện tích trồng điều cả vùng là 300.301 ha. Diện tích bị nhiễm sâu đục thân cả vùng tính đến ngày 12/10 là 3.252 ha, trong đó 3.162 ha bị nhiễm nhẹ và 90 ha bị nhiễm nặng tại tỉnh Gia Lai.

Sâu đục thân là loài xén tóc nâu có 03 loài: 02 loài gây hại phần gần gốc, thân (xén tóc nâu lớn) Plocaederus obesus Gahan và Plocaederus ferrugineus Linnaeus và 01 loài gây hại cành (xén tóc nâu nhỏ) Phytidodera bowringii White. Xén tóc nâu có khả năng phát tán di trú lây lan rộng, vòng đời kéo dài một năm, là loài đa thực gây hại nhiều loại cây trồng nông nghiệp và lâm nghiệp. Thời gian vũ hóa của xén tóc thường xuất hiện từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 5 hàng năm.

Sâu đục thân xuất hiện gây hại nặng ở các vườn điều già cỗi, rậm rạp, không cắt cành vượt, cành bệnh, cành đã mang trái năm trước, những vườn có đầu tư chăm sóc kém. Gây hại nặng vào thời điểm có mưa giông vào chiều tối và các vườn điều trên 8 năm tuổi. Sâu đục thân thường đẻ trứng vào các kẽ nứt trên vỏ cây, cách gốc 1,5 m trở xuống. Sâu non nở ra, đục vào phần mô vỏ cây, ăn mô vỏ và phần gỗ mềm tiếp giáp với lớp vỏ tạo thành các đường hầm có nhiều ngõ ngách dưới vỏ. Ở đầu miệng lỗ, có nhựa và mùn cây đùn ra. Khi sâu non đục khoanh tròn chu vi thân, cắt đứt mạch dẫn nhựa thì cây sẽ vàng lá và chết dần. Sâu non thường gây hại từ tháng 2-11 hàng năm, nhưng tập trung gây hại nặng vào khoảng tháng 7-9. Con trưởng thành sâu đục cành, thường đẻ trứng vào chồi hoa, các chồi khô, chồi ngừng sinh trưởng của vụ trước. Sâu non sau khi nở, đục một đường hầm từ ngọn chồi xuống các cành lớn hơn thậm chí đến lõi thân chính. Sâu non đục các lỗ có khoảng cách đều nhau khoảng 20-25 cm dọc theo cành bị đục để thải phân ra ngoài và để thở. Sâu đục bên trong làm cho cành suy yếu, dễ bị gẫy trong mùa mưa và khi mang quả nặng.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước chia sẻ tại hội nghị

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước cho biết, xén tóc là loại sâu gây hại thường xuyên, không có chuyện bị ảnh hưởng mấy chục ngàn ha như đã thông tin mà báo đài đã đưa.

Theo bà Tuyết, hiện nay diện tích trồng điều của toàn tỉnh Bình Phước là trên 134.204 ha, trong khi đó tính đến ngày 12/10/2018 Bình Phước có 800 ha bị nhiễm sau đục thân, như vậy thông tin hơn 20 ngàn ha điều của Bình Phước bị sâu đục thân phá hoại là không chính xác.

  1. Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều, cho biết, sâu đục thân hại điều là đối tượng gây hại quan trọng nhưng không nghiêm trọng, vì nó có vòng đời khá dài (gần 1 năm) nên không có khả năng phát triển thành dịch bệnh. Với loại sâu này, nên phòng hơn là trừ, vì khi nó đã đục vào thân, vào cành thì rất khó dùng thuốc để tiêu diệt.

Trung tâm BVTV phía Nam cũng khuyến cáo các địa phương trồng điều cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tỉa thưa, tỉa cành, tạo tán, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật để tạo thông thoáng cho vườn điều, nhằm loại bỏ trứng, ấu trùng sâu non nằm bên trong các cành nhánh vô hiệu.

Tiến hành tỉa cành, tạo tán 2 lần/năm: lần đầu được tiến hành ngay sau vụ thu hoạch kết thúc vào tháng 4, kết hợp với việc dọn vườn, phát quang bụi rậm, bón phân đợt 1 cho cây. Lần thứ hai tiến hành vào tháng 9 kết hợp với việc làm cỏ, bón phân đợt 2.

Tỉa thưa vườn điều (nếu vườn quá dày) và tỉa toàn bộ những cành bị nhiễm sâu bệnh, cành giao nhau, cành vượt, cành sà thấp sát mặt đất, cành khô… Các cành lá sau khi tỉa bỏ phải được dọn khỏi vườn cây và đốt tiêu hủy sâu non và trưởng thành còn nằm bên trong. Các vết cắt cành lớn hơn 1cm phải quét bằng dung dịch Bordeaux (1 CuSO4: 4 vôi : 15 nước) hoặc vôi để phòng nấm bệnh và con trưởng thành sâu đục thân đến đẻ trứng.

Biện pháp sinh học quan trọng nhất là nhân nuôi kiến vàng trong vườn điều. Loại kiến này có khả năng cao trong việc khống chế sự phát triển của xén tóc. Ruồi ký sinh họ Tachinidae ký sinh trên sâu non cũng là một giải pháp cần được tính tới…

Mặc dù diện tích cây điều bị nhiễm sâu đục thân hiện nay không lớn, nhưng theo  Chi cục Trồng trọt và BVTV các địa phương trồng điều, sâu đục thân đang có xu hướng tăng, do đó cần được đưa vào đối tượng điều tra để quản lý.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cũng cho rằng, tuy đang là loại dịch hại thứ yếu, nhưng sâu đục thân trên điều sẽ được điều tra để quản lý như bọ xít muỗi, thán thư…

Khắc  Minh