TRANG VƯỜN THUỐC NAM: Sừng Tê giác không phải là thần dược
SỪNG TÊ GIÁC CÓ PHẢI LÀ THẦN DƯỢC?
Trong dân gian, người ta cho rằng sừng tê giác có tác dụng kích dục, giúp trường thọ và hạ sốt, chữa được ung thư và đái tháo đường. Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp tài liệu nước ngoài đề cập đến một số tác dụng của sừng tê giác để bạn đọc tham khảo.
Tê giác có tên khoa học là Rhinoceros. Vào khoảng thế kỷ 14, tên “Rhinoceros” đã được đặt cho tê giác – một loài động vật quý hiếm dựa vào chính đặc điểm của nó, đó là một cái sừng lớn mọc ra từ mũi. Theo tiếng Hy Lạp, “rhis” có nghĩa là mũi và khi kết hợp với các từ khác “rhis” được viết thành “rhin”; còn “keras” có nghĩa là sừng. Vì thế tê giác, con vật có sừng ở mũi được gọi là “Rhinoceros” (“k” trong tiếng Hy Lạp, khi viết sang một thứ tiếng khác, sẽ trở thành “c”). Trước đây, trên thị trường, sừng tê giác được chia thành 2 loại: sừng tê giác châu Á, thường gọi là “Xiêm La giác” và sừng tê giác có nguồn gốc châu Phi, thường gọi là “Quảng giác”.
Trong Đông y, sừng tê giác là một dược phẩm thông dụng và thiết yếu trong điều trị nhiều loại bệnh cấp tính và nguy kịch. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, sừng tê giác là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết và chỉ huyết mạnh, thường dùng chữa các bệnh ôn nhiệt sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật và các chứng xuất huyết do huyết nhiệt. Trên lâm sàng, sừng tê giác có thể sử dụng phối hợp với nhiều vị thuốc khác, là thành phần không thể thiếu trong hàng loạt danh phương cổ như “Tê giác địa hoàng thang”, “Thanh doanh thang”, “Thần tê đan”, “An cung ngưu hoàng hoàn”, “Tử tuyết đan”, “Chí bảo đan”…
Không phải đến bây giờ sừng tê giác mới được xem là loại dược phẩm quý hiếm. Vào thời Hán ở Trung Quốc, do sự sát hại tê giác trong suốt thời Ðông Chu, sừng tê giác đã trở nên rất khan hiếm, đến nỗi chúng phải được nhập khẩu từ nước ngoài. Cuối thời Tây Hán, sừng tê giác được coi là một thứ trang sức quý giá, sau này người ta đã tìm thấy những cái chén làm bằng sừng tê giác được chôn theo chủ nhân của nó cùng nhiều sừng tê giác giả làm bằng gỗ và đất sét. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những bộ xương hoàn chỉnh của loài tê giác một sừng Javan trong các lăng mộ thời Tây Hán.
Những bằng chứng khảo cổ này đã khẳng định lại những ghi chép lịch sử tìm thấy vào thời Thục Hán liên quan đến hoàng đế Wang Mang thời Hán hay triều Tần. Sau khi chiếm ngôi vua Hán, để củng cố thế lực, Wang Mang đã cử người sang các nước chư hầu để gợi ý cống nạp sừng tê giác cho triều đình của ông. “Trong suốt thời kỳ Hoàng thái hậu nắm quyền, quyền lợi của mọi người đều được gia tăng và một bầu không khí hòa bình trải dài khắp bốn phương, tới cả các vùng đất xa xôi với những phong tục tập quán khác nhau. Tất cả mọi người đều ngưỡng mộ sự công bằng của triều đại này. Yuetanzi đã gửi những con chim trắng vượt qua một quãng đường dài và không chỉ có vậy, Huangzhi còn gửi những con tê giác sống từ cách đó 30 dặm”. Việc những con tê giác được gửi như vật cống phẩm từ thế kỷ I đã cho thấy một sự thật là tê giác cực kỳ hiếm ở vùng bắc và trung Trung Hoa vào thời này. Những con tê giác cống nạp là thú vui của hoàng đế nhà Hán và chúng được nuôi trong những khu rừng săn bắn của hoàng gia gần Tràng An.
Cũng vào thời kỳ này, triều đại nhà Hán giành được nhiều thắng lợi và biến phương Nam thành thuộc địa của mình. Một sự thay đổi quan trọng đã diễn ra trong những chuyến hải hành trên biển Ả Rập, các thương gia vùng Ðịa Trung Hải đã lợi dụng gió mùa Tây nam để đi thẳng tới miền Nam Ấn Ðộ. Việc giao dịch thương mại, đặc biệt là các mặt hàng gia vị và vải lụa được buôn bán rất mạnh giữa miền đông và miền tây bằng đường biển dọc theo châu Á, hình thành nên con đường tơ lụa nổi tiếng.
Xem xét trên bản đồ con đường tơ lụa trên biển ngày đó, ta có thể thấy những con tàu này đi từ biển nam Trung Hoa đến vịnh Bengal. Từ đó hàng hóa được chuyển tới các bán đảo từ Coimbatore Gap sang phía tây, hay từ bờ biển Malabar chuyển tới biển Hy Lạp rồi sang các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, dựa vào tính chất của gió mậu dịch, hàng năm các thương gia phương Tây phải neo lại cảng Tamil (nam Ấn Ðộ) khoảng 3 tháng để chờ gió mùa. Trong thời gian này mối quan hệ thương mại giữa người Hán và người Roma đã phát triển. Việc buôn bán, trao đổi không chỉ dừng lại ở gia vị, tơ lụa mà còn gồm những hàng hóa có giá trị khác như sừng tê, ngà voi… Rồi những câu chuyện về con kỳ lân của Trung Hoa cũng đã dần dần thâm nhập vào văn hóa Ấn Ðộ. Hình ảnh của chúng xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung của người Ấn Ðộ trong nền văn minh Indus. Không chỉ có vậy, cả những câu chuyện về con tê giác một sừng cũng đã xuất hiện vào thời gian này.
Mặc dù chưa có đầy đủ bằng chứng, nhưng có lẽ chính các thương gia từ Ấn Ðộ Dương tới biển Ðỏ là những người đầu tiên dùng sừng tê giác làm cán dao trong các buổi tế lễ quan trọng như Jiambiyya. Vào thời bấy giờ, những vũ khí thủ công ấy chính là một trong những phần không thể thiếu của trang phục truyền thống đàn ông nước Yemen, Oma hay Ả Rập, một đồ vật được coi là rất quý giá, chứng tỏ giá trị to lớn của sừng tê giác. Ðến nay, nhu cầu sử dụng sừng tê giác làm thuốc ngày càng cao và Ðài Loan là nơi tiêu thụ mạnh nhất. Từ những lý do trên, Tê giác bị hủy diệt bởi niềm tin vào sự thần dược của chiếc sừng mà nó mang trên mình.
Tìm ra thuốc trường sinh luôn là sự quan tâm của y giới trong lịch sử nhân loại. Những tài liệu tham khảo sớm nhất về sừng tê giác cũng được phát hiện vào thời Thục Hán. Chúng đã đề cập đến Jiaosizhi như một thành phần trong phương thuốc trường thọ của y học Trung Hoa cổ đại. Một số y thư cổ ghi lại cách sử dụng sừng tê giác để làm thuốc trường thọ như sau: “Ðun não của một con sếu với mai rùa và sừng tê. Sau đó nhúng mầm cây vào nước đó, đem trồng và ăn hạt mọc từ cây, bạn sẽ trở nên bất tử”. Thực hư của bài thuốc thế nào, đến nay chắc cũng còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học đương đại.
Cũng trong suốt thời kỳ này, sừng tê giác được nhập từ Sumatra thông qua đường biển, có thể là thông qua cảng Quảng Châu để đáp ứng nhu cầu chế tạo thuốc chữa bệnh sốt nhiệt đới. Nguyên do là trong suốt thời kỳ Tây Hán, đế chế này đã mở rộng tới tận phía nam sông Trường Giang đến vùng Lĩnh Nam. Kết quả là một số lượng lớn người Trung Hoa lần đầu tiên bị nhiễm phải căn bệnh nhiệt đới này và sừng tê giác đã được sử dụng như một thứ thuốc hạ sốt nhiệm màu.
Cho đến nay, trong y văn của y học cổ truyền phương Ðông, người ta vẫn cho rằng sừng tê giác là một thứ dược phẩm có tác dụng hạ sốt tốt và đã được áp dụng trong các trường hợp sốt cao. An cung hoàn là một phương thuốc (trong đó có sừng tê giác) được áp dụng điều trị cho nhiều chứng bệnh như đột quỵ, viêm phổi, sốt cao…Được cho đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp phòng và cấp cứu, điều trị đột quỵ.
Còn đối với người phương Tây, họ nghĩ sừng tê giác được sử dụng ở Trung Hoa như một loại thuốc kích dục. Ý kiến này không có căn cứ bởi đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ở Trung Hoa đề cập đến việc sử dụng sừng tê giác để tăng khả năng tình dục. Vì vậy có lẽ những lời đồn về tác dụng kích thích tình dục của sừng tê giác là do những lái buôn tạo ra nhằm tiêu thụ loại hàng này ở các nước phương Tây. Và trong nhiều trường hợp chính những sự đồn thổi này đã mang lại một hiệu ứng tâm lý đối với những người sử dụng như một ma lực của phép thôi miên.
Hiện nay, do sự khan hiếm của sừng tê giác, có thể dùng sừng trâu thay thế. Sừng trâu (thủy ngưu giác) là dược liệu dễ kiếm, hầu như có sẵn ở khắp các vùng nông thôn, được sử dụng làm thuốc từ hàng nghìn năm nay. Sách “Danh y biệt lục” viết: Sừng trâu có thể dùng chữa chứng đau đầu do thời khí nóng lạnh thất thường. Còn theo sách “Đại Minh bản thảo”, sừng trâu sắc lấy nước uống có thể trị chứng phong do nhiệt độc và sốt cao (trị nhiệt độc phong cập tráng nhiệt).
Y học hiện đại cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của sừng trâu. Theo kết quả nghiên cứu tiến hành tại hàng loạt cơ sở ở Thượng Hải, Bắc Kinh và một số thành phố khác của Trung Quốc, trong sừng tê giác và sừng trâu đều chứa 17 loại acid amin. Kết quả phân tích bán vi lượng trên máy quang phổ cho thấy, thành phần các chất hữu cơ và vô cơ trong sừng tê giác và sừng trâu cơ bản tương đồng. Vì vậy, hiện nay sừng trâu được sử dụng thay thế cho sừng tê giác .
Theo VnExpress.net, giới khoa học liên tục khẳng định sừng tê giác được tạo nên bởi keratin (chất sừng) giống như tóc, móng tay nên chúng không có tác dụng đặc biệt đối với bệnh tật. Hơn thế nữa, theo các bác sĩ đông y, hơn 70% sản phẩm mà mọi người tưởng là sừng tê giác trên thị trường đều là “hàng giả”.
Ông Nguyễn Hữu Trường, một bác sĩ của Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài tác dụng hạ sốt tương đối tốt, giới khoa học chưa chứng minh được bất kỳ công dụng chữa bệnh nào khác của sừng tê giác. Bên cạnh đó, sừng chứa nhiều hoạt chất có nguồn gốc xa lạ với con người, nên chúng hoàn toàn có thể gây các phản ứng dị ứng và nhiễm độc.
(LB và TC, theo ĐY Hà Nội số 2-2021, Bs: Q.T.V)