TUỔI TRẺ BÌNH PHƯỚC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 27-7: Tỉnh đoàn Bình Phước làm phim mang tên “Kim cương đen” tri ân những thương binh, anh hùng liệt sỹ đã hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh đoàn Bình Phước làm phim mang tên “Kim cương đen” tri ân những thương binh, anh hùng liệt sỹ đã hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc.
Vừa qua, Tỉnh Đoàn Bình Phước cùng nhóm bạn trẻ thuộc ekip làm phim Kizzik đã dựng một bộ phim mang tên “Kim cương đen” để tri ân những thương binh, anh hùng liệt sỹ đã hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc.
Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến đánh Pháp – đuổi Mỹ, Bình Phước là một trong những địa danh gắn liền với những chứng tích lịch sử, các trận đánh ác liệt cùng tinh thần bất khuất của quân và dân nơi đây.
Tự hào là những người con của mảnh đất Bình Phước anh hùng, các thanh niên tỉnh này đã chung tay dựng phim về cựu chiến binh – hướng đến Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7.
Hành trình về chiến trường xưa
Chịu trách nhiệm chính về nội dung và sản xuất bộ phim, đạo diễn trẻ Kizzik (tên thật là Trần Tuấn Anh – SN 1992) đã từng bước phát triển các ý tưởng, lên kịch bản và cùng ekip triển khai dự án làm phim “Kim Cương Đen”.
Bộ phim “Kim Cương Đen” kể về hành trình của ông Hùng – Nhân vật chính trong phim, một cựu chiến binh cùng con trai nuôi đi tìm hài cốt liệt sỹ. Xuyên suốt từ đầu đến nửa cuối phim, với cốt truyện độc đáo, “Kim Cương Đen” làm khán giả vẫn luôn nghĩ cả hai bố con ông Hùng đang đi tìm một kho báu kim cương.
Trong khi thực hiện các cảnh quay, Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Quốc Duy (thứ 3, phải sang) và đạo diễn Kizzik (thứ 4, phải sang) luôn cẩn thận kiểm tra hậu trường, và kịch bản để “Kim Cương Đen” toát lên những thông điệp truyền tải của phim
Đạo diễn Kizzik (bên phải) trao đổi cùng diễn viên Đức Ty – vai Kim Cương thời trẻ (người đồng đội đã hy sinh để ông Hùng được sống) và diễn viên Kim Chi (bên trái) – vai nữ du kích – mối tình đầu đầy thơ mộng của ông Hùng
Nhưng rồi tất cả như vỡ òa khi biết thứ mà hai bố con ông đang tìm còn quý hơn cả kim cương. Đó chínhlà hài cốt của người đồng đội đã hy sinh thân mình để ông Hùng được sống cho đến hôm nay.
“Thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên cuộc đời này, đó là tình đồng đội”. (Trích lời thoại trong phim)
Thật vậy, đồng đội chính là người đỡ đạn cho mình, và chỉ có đồng đội mới sẵn sàng chết để mình được sống.
Với đạo diễn Kizzik, đây là phim ngắn đầu tay của anh. Kizzik hào hứng bày tỏ: “Sinh ra và lớn lên ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, mình luôn mong làm các bộ phim trên chính mảnh đất quê hương. Khi chọn đề tài và xây dựng kịch bản phim, mình đã nghiên cứu nhiều mẩu chuyện của những cựu chiến binhvà rất xúc động, tự hào khi nghe chính những bậc cha anh kể lại.”
“Vì đây là phim ngắn nên chưa thể tải hết những nội dung mà mình đúc kết từ những câu chuyện ấy. Mình rất tâm huyết với đề tài này và sẽ tiếp tục làm các dự án phim về cựu chiến binh để lan tỏa nhiều câu chuyện thực tế đã diễn ra trong thời chiến khốc liệt”.
Đạo diễn Kizzik sinh ra và lớn lên ở huyện Đồng Phú (Bình Phước). Anh được chọn là đạo diễn cho một sốchương trình nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh và hiện rất tâm đắc với việc dựng phim về cựu chiến binh
Anh Trần Quốc Duy – Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước luôn tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động bảo tồn, quảng bá truyền thống văn hóa Việt và giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ
Bối cảnh chính của phim là đồi Xương Rồng và phía Bắc khu rừng nguyên sinh Mã Đà, chiến khu D, thuộc xã Tân Hòa (H.Đồng Phú). Ngoài ra, ekip làm phim đã thực hiện một cảnh quay tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Phước và một cảnh ở hồ thủy lợi thuộc phía Bắc của huyện Đồng Phú.
Trong quá trình tác nghiệp, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, ekip làm phim chỉ gồm 6 người; cả ekip đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Sau khi bấm máy xong, bộ phim đã bước vào giai đoạn xử lý hậu kỳ mất khoảng hơn một tháng. Đạo diễn Kizzik đã rất cẩn thận, quan tâm đến các khâu hiệu ứng, kỹ xảo 3D và âm thanh sao cho chân thực, chỉn chu nhất.
Sức trẻ lan tỏa những giá trị truyền thống
Được nghệ nhân hát ru Cao Minh Hiền (TP. Hồ Chí Minh) kết nối, đạo diễn Kizzik và anh Trần Quốc Duy – Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước đã gặp gỡ, trao đổi nhiều lần để thảo luận về các dự án làm phim tại Bình Phước. Qua đó, cả hai đã thống nhất chọn chủ đề cựu chiến binh để dựng phim.
Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Phước (nhìn từ trên cao xuống) là nơi thực hiện một cảnh quay trong bộ phim “Kim Cương Đen”
Diễn viên Kim Chi nhập vai nữ du kích – mối tình đầu đầy thơ mộng trong thời chiến của ông Hùng – người cựu chiến binh
Dựa trên các ý tưởng độc đáo, các bạn trẻ đã cùng chung tay dựng nên bộ phim “Kim Cương Đen”, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng của các đoàn viên thanh niên tham gia ekip làm phim, các diễn viên trẻ tuổi, đặc biệt là sự đồng hành của Tỉnh Đoàn Bình Phước mà đại diện là anh Duy – một trong những điển hình tiêu biểu của lớp trẻ.
Được biết, anh Duy luôn tích cực bảo tồn và quảng bá truyền thống văn hóa Việt khi đảm nhiệm các vị trí: Đại sứ sinh viên quốc tế, Đại sứ hữu nghị, Đại sứ “Xe đạp công cộng” tại TP. Brisbane (bang Queensland, nước Úc), Đại sứ Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế các thành phố Châu Á – Thái Bình Dương, Đại sứ thiện chí của Hành trình thiện nguyện “Khát vọng rừng xanh” và lãnh đạo đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam trong hàng chục chương trình giao lưu thanh niên quốc tế ở các nước.
Gần 2 năm qua, anh Duy đã cùng một số nghệ nhân Sài thành tổ chức các hoạt động tại Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh để bảo tồn tiếng hát ru, nghệ thuật múa rối, nét đẹp ẩm thực Huế; đồng hành với “nhà văn 6 chân” Trần Trà My (TP. Hồ Chí Minh) – người viết sách chỉ bằng 1 ngón tay trong gần 20 sự kiện để lan tỏa điều tử tế, truyền tư duy tích cực và nghị lực sống cho thanh niên.
Anh Duy bộc bạch: “Bộ phim “Kim Cương Đen” sẽ giúp giới trẻ trân quý hơn giá trị của hòa bình, hiểu thêm về sự hy sinh và công lao to lớn của biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu, không tiếc máu xương, hy sinh tuổi xuân để đất nước yên bình, tươi đẹp như hôm nay; thấm nhuần các truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” – những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, từ đó hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.”
Trong thời gian thực hiện dự án phim ngắn “Kim Cương Đen”, anh Duy đã bám sát ngay từ những ngày đầu, tìm diễn viên và giúp đoàn làm phim tiếp cận các bối cảnh quay quan trọng, cùng lập kế hoạch phát hành phim, đặc biệt là sẽ gửi bộ phim đi tham dự các cuộc thi làm phim ngắn trên cả nước, công chiếu trong các hoạt động của Đoàn – Hội – Đội toàn tỉnh và truyền thông rộng rãi trên các Fb, Youtuber để lan tỏa mạnh mẽ trong lớp trẻ và cộng đồng.
Trong vòng xoáy của trào lưu phim khai thác về các đề tài tình yêu, gia đình và xã hội… như hiện nay, vẫn có những đạo diễn trẻ yêu mến và tìm hiểu về nhiều câu chuyện hào hùng của các cựu chiến binh đã trải qua quãng thời gian khốc liệt của chiến tranh; từ đó tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc bằng những thước phim rực lửa, đầy cảm xúc và đượm tinh thần nhân văn, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đầy quan trọng đối với thế hệ trẻ.
Thắng Trân