Ứng dụng công nghệ chiếu xạ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Ngày 16/11 tại TP.HCM, Trung Tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong nông nghiệp, thực phẩm và y tế”. Đây là dịp để các nhà khoa học, các doanh nghiệp và sinh viên các trường đại học tìm hiểu, học tập và nghiên cứu.
Thông qua Hội thảo này các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các bạn sinh viên sẽ có thêm thông tin về ứng dụng công nghệ chiếu xạ phục vụ nông nghiệp, thực phẩm và y tế cũng như cùng nhau thảo luận để xuất định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.
Tại Hội thảo các nhà khoa học đã trình bày các ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong nông nghiệp, thực phẩm và y tế trong đó nông nghiệp được nhiều người quan tâm như: chiếu xạ trái cây, rau, quả của Việt Nam để xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc và Châu Âu,… Đặc biệt là ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ sinh học, công nghệ nano trong sản xuất và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.
PGS. TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TP. HCM
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TP. HCM cho biết, công nghệ bức xạ (CNBX) là khai thác các hiệu ứng vật lý, hóa học và sinh học của bức xạ trong vật chất sống và không sống, làm thay đổi một số tính chất nhất định của đối tượng nhằm tận dụng chúng một cách hiệu quả hơn cho đời sống con người.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao tại hội thảo
Ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ bức xạ đầu tiên là trong lĩnh vực y tế, với kỹ thuật chụp ảnh X-quang và xạ trị bằng kim Radium từ những năm 1920 tại Viện Curie Đông Dương, tức bệnh viện K ngày nay. Saunhững năm 1970, một số nghiên cứu về ảnh hưởng của bức xạ gamma đối với côn trùng, vi sinh vật mới được thực hiện nhằm tạo giống cây trồng đột biến và diệt côn trùng, vi khuẩn và ký sinh trùng để bảo quản thực phẩm.
Các chuyên gia, kỹ thuật kiểm tra thanh long trước khi đưa vào chiếu xạ tại công ty chiếu xạ Sơn Sơn
Đặc biệt quá trình phát triển Công nghệ bức xạ ở Việt Nam sau năm 2000 là giai đoạn tăng cường chuyển giao công nghệ, thúc đẩy các ứng dụng thực tiễn, với sự ra đời của ngành công nghiệp chiếu xạ. Việc cho phép các công ty tư nhân đầu tư phát triển ứng dụng chiếu xạ đã đem lại thành công to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu như thủy hải sản tươi sống và lạnh đông, gia vị và dược liệu, hoa quả tươi đã được xử lý chiếu xạ. Ngành công nghiệp chiếu xạ non trẻ đã tạo được nhiều công việc mới, góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Ngày nay, với việc làm chủ công nghệ gia tốc, phát triển ứng dụng máy gia tốc chùm điện từ và thiết bị chiếu xạ tia X giúp đẩy mạnh các ứng dụng chiếu xạ liều cao và suất liều cao, giúp mở rộng các ứng dụng chiếu xạ cắt mạch tạo các chất có hoạt tính sinh học mới; tạo ra các loại vật liệu khâu mạch bền nhiệt, bền bức xạ, vật liệu có hiệu năng cao dùng trong các quá trình công nghiệp, vật liệu siêu hấp thụ nước và các hợp chất nông nghiệp, các hệ dẫn thuốc nguồn gốc hydrogel. Công nghệ ghép mạch bức xạ cũng giúp nâng cao hiệu quả chế tạo vật liệu nano bằng xử lý chiếu xạ nhằm tạo ra các sản phẩm có hoạt tính sinh học dùng trong nông nghiệp, công nghiệp và y tế.
Cũng theo PGS.TS. Dương Hoa Xô, để ứng dụng rộng rãi hơn nữa công nghệ bức xạ trong đời sống, cần tiến hành các nghiên cứu mới trong lĩnh vực chiếu xạ thực phẩm đề cung cấp thực phẩm có chất lượng đảm bảo, giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo quản; tiếp tục hướng nghiên cứu khác là gây đột biến phóng xạ để chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật hữu ích và tạo các chất có hoạt tính sinh học dùng trong nông nghiệp từ phế phụ phẩm ngành công nghiệp thực phẩm; mở rộng hoạt động dịch vụ chiếu xạ, đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm chiếu xạ, đẩy mạnh ứng dụng chiếu xạ để đảm bảo chất lượng vệ sinh đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến cho mục đích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;
“Trung Tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh cũng đã được trang bị nguồn xạ Cobalt 60 phục vụ cho công tác nghiên cứu đã đưa vào sử dụng gần 2 năm nay. Chính vì vậy, việc hợp tác với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ vào trong nông nghiệp, thực phẩm, y tế, hai bên sẽ cùng nhau đưa ra chương trình nghiên cứu dài hạn dựa trên tiềm lực về cơ sở vật chất, cán bộ nghiên cứu cũng như trình độ khoa học công nghệ của hai bên”, PGS.TS Xô cho biết thêm.
TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, năm 2019, tổng sản lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ đạt gần 7.600 tấn, tăng 76 lần so với năm 2008 và tăng 98 tấn so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu nhãn hơn 2.700 tấn tăng 1.150 tấn so với năm 2018… Mặc dù hiện nay thủy hải sản chế biến không cần xử lý chiếu xạ, song hầu hết các loại nông sản chủ lực như trái cây, rau, bột gia vị xuất khẩu sang Mỹ đều phải xử lý kiểm dịch bắt buộc bằng chiếu xạ.
Cũng theo TS. Quỳnh, Châu Âu là thị trường lớn với nhu cầu rau tươi là 15 triệu tấn và 7 triệu tấn quả, trong đó khoảng 10-15% là nhập khẩu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ sở để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là rau, quả tươi trong thời gian tới.
Năm 2019, TP.HCM có 220 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản thành lập mới. Nâng tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hoạt động tại thành phố lên 1.675 doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu giống cây trồng đạt 620 tấn, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2018, xuất khẩu cá cảnh 21,5 triệu con, tăng 5,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 23,2 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường xuất khẩu Châu Âu chiếm 54,09%, Châu Á 29,18% và Châu Mỹ chiếm 14,34%.
Được biết, hiện nay cả nước có 9 cơ sở chiếu xạ đang hoạt động, trong đó công ty chiếu xạ Sơn Sơn được xử lý chiếu xạ kiểm dịch sang Mỹ, Úc, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được chiếu xạ vải thiều, xoài, nhãn sang Úc.
Khắc Quang – LB