Vai trò của năng lực tư duy logic đối với sinh viên các trường sư phạm hiện nay
THS. NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI
Đại học sư phạm Hà Nội
Đối với hoạt động học tập của sinh viên nói chung, vai trò của năng lực tư duy biện chứng thể hiện ở sự tìm hiểu, phân tích, lý giải những vấn đề cụ thể của môn học theo chuyên ngành đào tạo.
Thực tế cho thấy, để tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề cụ thể của các môn học theo chuyên ngành đào tạo, cần đứng vững trên quan điểm duy vật, nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp luận biện chứng duy vật.
Càng đi sâu nghiên cứu những nội dung cụ thể, cũng như rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, sinh viên càng gặp phải những vấn đề nảy sinh mà học sẽ không hiểu được một cách đúng đắn, đầy đủ, nếu không được trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học.
Để hiểu được một cách thấu đáo các vấn đề này, sinh viên cần phải đứng vững trên quan điểm duy vật, nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp luận biện chứng duy vật.
Trong học tập, sinh viên tất yếu bắt gặp những vấn đề như: tính chất, tiêu chuẩn của chân lý, chân lý toán học, chân lý nghệ thuật….
Nếu được trang bị phương pháp luận biện chứng duy vật, sinh viên hiểu những vấn đề này một cách thấu đáo hơn.
Đối với hoạt động học tập của sinh viên nói chung, vai trò của năng lực tư duy biện chứng còn thể hiện trên nhiều mặt khác như: học tập để không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, khoa học; rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp; tham gia nghiên cứu khoa học; tìm hiểu và tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội… Do mục tiêu đào tạo của các trường, các khoa sư phạm và tính đặc thù của lao động sư phạm nên năng lực tư duy biện chứng có một vai trò quan trọng nhưng lại hết sức cụ thể đối với sinh viên sư phạm trong quá trình học tập, rèn luyện.
Thứ nhất, năng lực tư duy logic đảm bảo cho sinh viên sư phạm học tập, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ sư phạm.
Để thực hiện công việc dạy học của mình, trước hết người giáo viên cần nắm vững kiến thức về lĩnh vực chuyên môn nhất định như toán, vật lý, lịch sử… Muốn dạy học tốt, người giáo viên không những cần có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt mà còn phải nắm vững kiến thức khoa học cơ bản.
Ngoài kiến thức chuyên ngành sâu sắc, giáo viên không thể không có sự am hiểu một số khoa học cơ bản, các môn bổ trợ và thực tiễn xã hội.
Bên cạnh kiến thức khoa học cơ bản, người giáo viên phải nắm vững nghiệp vụ sư phạm.
Nói đến nghiệp vụ sư phạm là nói đến sự kết hợp giữa tri thức sư phạm và kỹ năng sư phạm.
Đào tạo nghiệp vụ sư phạm là cung cấp cho sinh viên hệ thống tri thức sư phạm và hình thành ở họ những kỹ năng sư phạm cần thiết.
Tri thức sư phạm được cung cấp cho sinh viên qua các môn học như: Tâm lý học, Giáo dục học và Phương pháp giảng dạy… còn kỹ năng sư phạm được hình thành chủ yếu trong quá trình sinh viên tự rèn luyện thông qua các hoạt động kiến thập, thực tập sư phạm… Nhiệm vụ chủ yếu của đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sư phạm là trang bị cho sinh viên phương pháp và phương pháp luận dạy học.
Nhưng phương pháp luận dạy học tất yếu dựa trên phương pháp luận biện chứng duy vật với tính cách là hệ thống những quan điểm, nguyên tắc chung nhất làm căn cứ xuất phát cho việc xác định phương pháp luận chung, phương pháp luận bộ môn và các phương pháp nhận thức, thực tiễn.
Do vậy, để nắm được phương pháp luận, phương pháp dạy học và biết lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, cũng như xác định phạm vi, khả năng vận dụng phương pháp đó một cách hợp lý, đạt kết quả cao, sinh viên sư phạm phải nắm vững và vận dụng một cách chủ động, sáng tạo phương pháp luận biện chứng duy vật.
Nói cách khác, năng lực tư duy biện chứng là cơ sở quan trọng để sinh viên nắm vững phương pháp luận dạy học, tiếp nhận và rèn luyện phương pháp dạy học.
Cách tiếp cận vấn đề phương pháp của C.Mác giúp ta nhìn thấy được vai trò của phương pháp dạy học đối với hoạt động dạy học.
C.Mác nhận xét rằng: Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cài gì, mà ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với tư liệu lao động nào.
Cách tiếp cận này của C.Mác về phương pháp cho ta thấy rằng, trình độ và hiệu quả dạy học được quyết định bởi phương pháp và phương tiện dạy học.
Cùng một mục tiêu hình thành các thao tác kỹ thuật cho người học việc, nếu chỉ bằng cách truyền đạt kinh nghiệm của người thợ cho người học theo phương thức cầm tay chỉ việc, thì hiệu quả thấp hơn nhiều so với việc đào tạo theo phương pháp khoa học, với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại.
Khi đã xác định được mục đích và nội dung dạy học, phương pháp trở thành nhân tố góp phần quyết định kết quả dạy học.
Với những điều kiện dạy học nhất định, phương pháp dạy học càng khoa học thì kết quả hoạt động dạy học đạt được càng cao.
Cùng một nội dung như nhau, nhưng học sinh học tập có hứng thú, có tích cực hay không, giờ học có phát huy được trí sáng tạo của người học hay không, có để lại những dấu ấn sâu sắc hay không… phần lớn phụ thuộc vào phương pháp dạy học của người thầy.
Trong bối cảnh phát triển vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay, việc vận dụng những phương pháp dạy học khoa học, hiện đại nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả cao trong việc chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng đang là xu hướng rất được chú trọng trong giáo dục – đào tạo.
Năng lực tư duy biện chứng là cơ sở quan trọng để sinh viên sư phạm hiểu rõ những nguyên tắc phương pháp luận sử học.
Để phân tích các hiện tượng xảy ra một cách chính xác, đầy đủ, xem xét đối tượng như một chỉnh thể, hệ thống, tránh được lối tư duy phiến diện, chiết trung, ngụy biện, cần nắm vững và vận dụng linh hoạt nguyên tắc toàn diện.
Thực tế cho thấy, các hiện tượng trong tự nhiên thường xảy ra rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây ra và biến đổi qua nhiều giai đoạn, nhưng nhiều khi ta chỉ quan sát được kết quả cuối cùng.
Vì thế, nếu nghiên cứu phiến diện sẽ dẫn tới những tri thức, những kết luận sai lầm.
Ví dụ, khi xem xét vật rơi trong không khí, ta thấy một thực tế là hòn đá rơi nhanh hơn chiếc lá.
Để giải thích điều này cho học sinh, người giáo viên phải có quan điểm toàn diện, phải thấy rằng các vật đó vừa chịu sự tác động của lực hút trái đất, vừa chịu sự tác động của lực cản không khí.
Chỉ có thể coi vật rơi tự do khi mà lực cản của không khí đáng kể so với trọng lực của vật.
Năng lực tư duy logic giúp chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, không có chân lý tuyệt đích, cuối cùng, mà chân lý luôn được bổ sung, phát triển trong sự phát triển của khoa học và thực tiễn.
Như chúng ta đã biết, cơ học Niuton là thành tựu khoa học vĩ đại của loài người, được áp dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhiều thế kỷ.
Nhưng lịch sử vật lý học không dừng lại ở cơ học Niutơn.
Do không có được tư duy biện chứng, không nắm vững nguyên tắc phát nên một số nhà khoa học lúc đó đã cho rằng vật lý học thời đó đã đạt tới tột đỉnh của nó, đã tìm ra được mọi quy luật cơ bản của tự nhiên.
Khi thuyết tương đối và thuyết lượng tử đưa ra quan điểm mới về không gian, thời gian, khối lượng, đã có nhiều nhà khoa học hoài nghi những lý thuyết mới này.
Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học sau đó đã chứng minh cơ sở khoa học và tính đúng đắn của thuyết tương đối, thuyết lượng tử.
Năng lực tư duy logic giúp người giáo viên tương lai có được sự định hướng đúng đắn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, cũng trình bày các học thuyết, nguyên lý.
Khi tìm hiểu các học thuyết, nguyên lý phải gắn với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhất định, phải vận dụng những học thuyết, nguyên lý, công thức một cách sáng tạo, tránh rơi vào các căn bệnh giáo điều, kinh nghiệm, máy móc.
Ngay cả những kiến thức hiện đại cũng chỉ là một bậc thang của quá trình nhận thức vô hạn.
Khi nghiên cứu một đối tượng, đánh giá một tư tưởng hay vận dụng một lý thuyết, công thức cần phải gắn với các mối liên hệ, với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Mỗi khái niệm, định luật, quy luật vật lý, hóa học hay sinh học ra đời trong hoàn cảnh cụ thể, phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và công cụ, thiết bị nghiên cứu của từng thời kỳ.
Bởi vậy, cùng với sự phát triển của nhận thức và thực tiễn, các khái niệm, định luật, quy luật sẽ được bổ sung, hoàn thiện.
Năng lực tư duy logic giúp người giáo viên tương lai nhận thức sâu sắc rằng, trong dạy học, cần phải biết tích lũy dần bốn kiến thức cho người học để có được những bước ngoặt cơ bản trong nhận thức, tránh có thái độ chủ quan, nóng vội.
Các khái niệm, định luật, lý thuyết tất yếu được bổ sung, điều chỉnh, phát triển trong quá trình nhận thức, trong lịch sử phát triển của khoa học và thực tiễn.
Những khái niệm, định luật, lý thuyết mới này không phủ nhận hoàn toàn khái niệm, định luật, lý thuyết cũ mà có sự kế thừa những giá trị hợp lý, coi chúng như những trường hợp đặc biệt.
Năng lực tư duy logic là cơ sở quan trọng để những người giáo viên tương lai tiếp nhận và rèn luyện phương pháp dạy học.
Phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay có nhiều loại, nhiều cấp độ khác nhau.
Trong quá trình học tập ở trường, sinh viên sư phạm cần nắm vững các phương pháp dạy học áp dụng cho từng bộ môn khác nhau trong nhà trường hiện nay: phương pháp thuyết trình, phương pháp giải thích và trình diễn, phương pháp vấn đáp và kỹ thuật đặt câu hỏi, phương pháp dạy học theo mô hình thầy thiết kế – trò thi công, phương pháp dạy học bằng tình huống, v.v..
Bên cạnh đó, phải nắm được các phương pháp dạy học bộ môn: phương pháp dạy học toán, phương pháp dạy học vật lý, phương pháp dạy học lịch sử, v.v..
Năng lực tư duy biện chứng giúp sinh viên nhận thức sâu sắc rằng, các phương pháp dạy học đều có vị trí nhất định, đồng thời giữa chúng lại có quan hệ biện chứng lẫn nhau, bổ sung nhau.
Do đó, trong giảng dạy không nên coi phương pháp là ngang bằng nhau hoặc thay thế phương pháp này bằng phương pháp khác một cách tùy tiện, không nên đề cao phương pháp này và hạ thấp phương pháp kia.
Cần sử dụng một cách phối hợp, đan xen các loại phương pháp; cùng một đối tượng, cùng một nội dung, có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng phải biết lựa chọn phương pháp tối ưu, mang lại hiệu quả cao nhất.
Thực tế kiến tập và thực tập sư phạm cho thấy, nhiều sinh viên nắm được các phương pháp dạy học, nhưng do tư duy siêu hình, máy móc nên đã dùng sai phương pháp, dùng phương pháp không phù hợp với từng bài, từng đối tượng cụ thể, hoặc tuyệt đối hóa một phương pháp nào đó, mà không biết kết hợp các phương pháp v.v..
Thứ hai, năng lực tư duy logic là cơ sở để sinh viên sư phạm rèn luyện khả năng phát hiện, phân tích và giải quyết những tình huống, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình dạy học.
Quá trình dạy học tất yếu nảy sinh những tình huống, những mâu thuẫn, đòi hỏi người giáo viên phải biết cách giải quyết, do đó, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên sư phạm cần rèn luyện cho mình khả năng phát hiện, phân tích và giải quyết những tình huống, những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình dạy học.
Năng lực tư duy biện chứng có vai trò quan trọng, là cơ sở quan trọng để sinh viên sư phạm rèn luyện khả năng này.
Nhờ được trang bị năng lực tư duy logic, việc phân tích mâu thuẫn của quá trình dạy – học đối với sinh viên sư phạm trở nên sâu sắc hơn.
Họ nhận thức được rằng, cũng như tất cả mọi mâu thuẫn, mâu thuẫn của quá trình dạy – học có quá trình phát sinh, biến đổi, phát triển.
Chính vì vậy, cần phân tích quá trình phát sinh, phát triển của mâu thuẫn trong từng điều kiện, từng giai đoạn cụ thể.
Cần phân loại mâu thuẫn, xác định vai trò, vị trí của các mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn bên trong, mâu thuẫn chủ yếu.
Mâu thuẫn cơ bản của quá trình dạy – học là mâu thuẫn giữa yêu cầu phải nắm bắt những tri thức chuyên môn cần thiết và khả năng nắm bắt những trị thức đó của người học.
Mâu thuẫn này tồn tại trong suốt quá trình dạy – học, tạo nên bản chất của hoạt động dạy – học và chi phối các mâu thuẫn khác của quá trình này.
Với việc được trang bị năng lực tư duy logic, sinh viên sư phạm không những có khả năng phát hiện, phân tích các tình huống, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình dạy học một cách kịp thời, chính xác, mà còn có khả năng giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả.
Họ ý thức được rằng, không được “lảng tránh” những vấn đề nảy sinh, những vướng mắc của học sinh, mà phải cùng với người học giải quyết một cách thỏa đáng.
Việc giải quyết các tình huống, mâu thuẫn đòi hỏi phải có phương pháp phù hợp, đưa ra những gợi ý nhằm tháo gỡ dần những vướng mắc, đồng thời cần phải phát huy tính chủ động, tích cực, lôi cuốn tất cả học sinh cùng tham gia v.v..
Thứ ba, năng lực tư duy logic là điều kiện thiết yếu của người giáo viên để thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, phát triển năng lực tư duy logic cho học sinh.
Một trong những mục tiêu, yêu cầu quan trọng của dạy học trong nhà trường phổ thông là rèn luyện, phát triển năng lực tư duy cho học sinh.
Dạy học phải gắn với việc rèn luyện, phát triển những phẩm chất trí tuệ của người học như tính tích cực, độc lập, khả năng tư duy sáng tạo, biện chứng.
Tính tích cực của tư duy là trạng thái hoạt động của người học đặc trưng bởi khát vọng học tập, huy động trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức.
Chẳng hạn, một học sinh chăm chú nghe giáo viên giảng cách chứng minh định lý, cố gắng để hiểu được tài liệu, như vật ở đây có thể nói đến tư duy tích cực.
Tính độc lập của tư duy là năng lực, nhu cầu học tập và tính tổ chức học tập, cho phép học sinh tự học, mà không có sự can thiệp trực tiếp từ bên ngoài.
Nếu giáo viên đáng lẽ giải thích, lại yếu cầu sinh viên tự phân tích định lý dựa theo bài đọc trong sách giáo khoa, tự nghiên cứu phần tương ứng thì trong trường hợp này có thể nói đến tư duy độc lập (và tất nhiên, cũng là tư duy tích cực).
Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu rèn luyện năng lực tư duy logic cho học sinh, bản thân người giáo viên cũng phải được trang bị năng lực tư duy logic.
Nếu năng lực tư duy logic của người giáo viên hạn chế sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ rèn luyện năng lực tư duy logic cho học sinh.
Năng lực tư duy logic của người giáo viên càng cao, sẽ càng có khả năng đạt được kết quả tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, phát triển năng lực tư duy logic cho học sinh.