BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM THÔNG QUA CUỘC CẢI CÁCH HỆ THỐNG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC Ở TRUNG QUỐC

Trung Quốc là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc châu Á, có diện tích khoảng 9,6 triệu km2 tiếp giáp với 14 quốc gia với đường biên giới trên đất liền dài hơn 22 000 km và đường bờ biển dài hàng chục nghìn km. Dân số Trung Quốc đông nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người vào thời điểm hiện tại (tháng 5/2019) [4]. Là một đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ với 56 dân tộc cùng chung sống và 53 hệ ngôn ngữ nhưng lấy tiếng Hán âm Bắc Kinh làm chuẩn. Hiện nay, Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu trên các mặt đời sống xã hội, trong đó có giáo dục đại học. Theo tổ chức UNESCO đánh giá: giáo dục đại học Trung Quốc phát triển nhanh nhất thế giới. Điều này không chỉ thể hiện qua việctăng trưởng quy mô trường lớp, sinh viên theo học mà còn phát triển mạnh mẽ về mặt chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng, phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học…Theo thống kê, năm 2018 Trung Quốc có 6 trường đại học nằm trong top 100 trường đại học tốt nhất thế giới (như đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa)[1].Đây là một trong những thành tựu đáng ghi nhận của giáo dục đại học Trung Quốc. Điều này chứng tỏ chất lượng giáo dục đại học Trung Quốc ngày càng được nâng cao hơn. Sở dĩ có được thành quả như vậy bởi vì Trung Quốc thực hiện một loạt chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có thể thấy rõ nhất qua việc cải cách hệ thống tuyển sinh đầu vào đại học.

Là một đất nước láng giềng với Việt Nam, việc nghiên cứu giáo dục đại học Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn của quá trình đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Bài viết thông qua việc giới thiệu cuộc cải cách hệ thống tuyển sinh đại học ở Trung Quốc hiện nay, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

 

  1. Khái quát về cuộc cải cách hệ thống tuyển sinh đại học ở Trung Quốc

Nền giáo dục Trung Quốc có khá nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Điều dễ thấy ở Trung Quốc và Việt Nam là nền giáo dục rất chú trọng thi cử.

Ở Trung Quốc, vào tháng 6 hàng năm tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào đại học có tên là Gaokao (cao khảo). Tiêu chuẩn làm căn cứ đánh giá trúng tuyển vào đại học chính là điểm số. Tuy nhiên, hình thức tuyển sinh và tiêu chí đánh giá của kỳ thi này tỏ ra không hiệu quả trong bối cảnh xã hội thay đổi, bởi lẽ nếu chỉ căn cứ vào điểm số thì không thể đánh giá đúng năng lực của người học cũng như là một trong những nhân tố đánh giá sai lệch sự phát triển toàn diện đối với học sinh và sinh viên.

Xuất phát từ hạn chế trên cùng với những nguyên nhân khác, việc cải cách hệ thống tuyển sinh đại học là điều tất yếu, nhằm đảm bảo yếu tố đầu vào trong vấn đề kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục. Năm 2015 được xem là mốc đánh dấu cho sự thay đổi mang tính cách mạng khi Bộ Giáo dục Trung Quốc tiến hành cải cách hệ thống thi tuyển sinh đầu vào thay cho kỳ tuyển sinh Gaokao vốn dĩ đã được duy trì một thời gian khá lâu. Với hi vọng cuộc cải cách này “không chỉ đơn thuần thiết kế lại kỳ thi, mà thay đổi hoàn toàn cả một hệ thống tuyển sinh đại học cũng như tạo chuyển biến cho tất cả các bậc học trong nền giáo dục Trung Quốc”[1]. Do vậy, cuộc cải cách này nhắm đến việc thiết lập một hệ thống tuyển sinh đại học theo phong cách Mỹ[2]- là hệ thống tuyển sinh khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhưng áp dụng theo cách riêng của Trung Quốc. Cụ thể:

Hệ thống tuyển sinh mới đã mở rộng số lượng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, bao gồm:

  • Tiêu chuẩn đầu tiên là điểm chuẩn của ba môn bắt buộc gồm: Trung văn, tiếng Anh và Toán. Ngoài ra, còn cộng với điểm chuẩn của 03 môn thi do thí sinh lựa chọn trong số các môn thi: lịch sử, địa lý, hóa học, sinh học, khoa học chính trị, tùy thuộc vào đam mê của bản thân và yêu cầu tuyển sinh của trường. Như vậy, tổng các môn dự thi là 6 môn, bao gồm toàn diện các lĩnh vực khoa học cơ bản. Điều này được áp dụng sẽ hạn chế tình trạng học tủ, học lệch ở các trường trung học phổ thông. Ngoài ra, với việc yêu cầu môn thi tiếng Anh là môn bắt buộc sẽ tạo nền tảng kiến thức ngoại ngữ đồng đều cho sinh viên khi bước chân vào ngưỡng cửa giáo dục đại học. Với phương án cải cách, thí sinh có cơ hội khám phá khả năng của bản thân, liệu rằng mình thật sự đam mê ngành học nào, lĩnh vực nào, đồng thời cũng tiếp thu nhiều lĩnh vực, tạo nên một nền tảng kiến thức chắc chắn hơn và toàn diện hơn. Như vậy, thay vì kỳ thi Gaokao chỉ đánh giá vài môn thì cách làm mới sẽ cho thấy bức tranh toàn diện hơn về quá trình học tập (điều này khá giống với điểm trung bình GPA trong hệ thống Mỹ).
  • Nếu ở hệ thống tuyển sinh Mỹ sẽ dùng các bài tiểu luận và thư giới thiệu để làm căn cứ xét tuyển thì ở Trung Quốc, theo hệ thống cải cách mới sẽ căn cứ vào bộ hồ sơ để “đánh giá năng lực toàn diện” của học sinh. Trong bộ hồ sơ này, bao gồm các hoạt động không chỉ thể hiện được các mặt trình độ học vấn, sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội (thể hiện mức độ gắn kết với cộng đồng, khả năng hòa nhập xã hội), năng khiếu/tài năng nghệ thuật mà còn cả phẩm chất đạo đức nữa.

Tuy nhiên, việc đánh giá này gặp một trở ngại lớn vì chủ thể đánh giá và đối tượng được đánh giá là con người, mà con người khó tránh được tính chủ quan. Do vậy, để đảm bảo hoạt động này diễn ra trung thực, khách quan, hướng dẫn của Bộ giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các bước sau [1]:

  • Giấy tờ trung thực: Giáo viên hướng dẫn học sinh ghi lại trung thực những hoạt động mà học sinh đã tham gia và thu thập các giấy tờ xác nhận.
  • Kiểm thảo và phân tách: Vào cuối mỗi học kỳ, với sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh sẽ lựa chọn những hoạt động quan trọng và tiêu biểu để làm đánh giá. Học sinh bắt buộc phải ký tên lên các giấy tờ nếu sử dụng chúng cho hồ sơ tuyển sinh đại học.
  • Công khai và được xác nhận: Những hồ sơ được chọn phải được trưng bày ở những nơi công cộng như lớp học hay công bố trên website của trường để xác thực. Giáo viên phải duyệt kỹ lưỡng để xác nhận các giấy tờ trong hồ sơ này và ký tên lên chúng.
  • Xây dựng hồ sơ năng lực: Bộ Giáo dục yêu cầu mỗi tỉnh phải xây dựng một hình thức chuẩn cho hồ sơ năng lực và yêu cầu các giáo viên cung cấp “những nhận xét khách quan và chính xác về khả năng của từng học sinh”. Bên cạnh đó, các trường cũng phải kiểm tra hồ sơ của từng học sinh.

Cuộc cải cách này tạo nên hiệu ứng tốt trong dư luận vì có thể đưa ra nhiều lợi ích lớn như:

Thứ nhất, tạo ra nhiều lựa chọn. Hệ thống tuyển sinh cải cách mang đến cho học sinh nhiều lựa chọn – từ lựa chọn môn thi[3], lựa chọn trường[4], đến lựa chọn hình thức tuyển sinh[5], giống như hệ thống tuyển sinh đại học ở Mỹ.

Thứ hai, tạo ra nhiều cơ hội:Hệ thống cải cách nhắm đến việc cho phép học sinh thi mỗi môn hai lần (trừ môn Toán và Trung văn sẽ tiếp tục được tổ chức thi chỉ một lần mỗi năm). Kết quả thi cũng sẽ có giá trị trong vòng hai năm ở một số tỉnh. Điều này cho phép tạo ra cơ hội cho thí sinh trong việc hoàn thiện, củng cố lại mặt kiến thức và bảo lưu kết quả thi vì gặp một số lý do nào đó chưa thể tham gia học đại học được.

Thứ 3, thu hẹp khoảng cách [3]:khoảng cách ở đây thực chất là khoảng cách về giàu nghèo, về chênh lệch vùng miền, chênh lệch trình độ phát triển và trình độ giáo dục hay đó chính là chất lượng giáo dục và đặc biệt liên quan trực tiếp đến từng cá nhân đó chính là cơ hội thụ hưởng giá trị của hoạt động giáo dục – đào tạo mang lại. Có thể thấy, xét từ khía cạnh lợi ích xã hội, cải cách tuyển sinh ở Trung Quốc đã tạo ra những lợi ích không hề nhỏ. Cụ thể, trong chính sách tuyển sinh mới này, các kế hoạch được đề ra như việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, tăng tỷ lệ nhập học ở các vùng nông thôn, miền núi, khó khăn, các tỉnh nghèo hay vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, các trường đại học phải đảm bảo nhu cầu cho một số lượng sinh viên nhất định đến từ nhiều địa phương được theo học ở các trường đại học, thậm chí kể cả các trường được xếp hạng đại học thứ bậc cao.

Nhìn chung, hệ thống tuyển sinh mới tạo ra được những phản ứng tích cực từ phía người dân do các lợi ích đạt được là rất lớn. Nhiều người hi vọng hệ thống này sẽ thật sự làm cho cả nền giáo dục trở nên tốt hơn. Tuy vậy, ở một chiều hướng khác, xã hội cũng đặt ra những mối lo ngại như gánh nặng của việc lựa chọn, chưa thật sự phân cấp được trình độ, xáo trộn trong các trường học, cơ hội cho các công ty dạy kèm [1]. Tuy nhiên, đây chỉ là những mối lo, còn trên thực tế, nếu thực hiện một cách triệt để, đúng thực chất kèm theo các biện pháp khác sẽ hạn chế những vấn đề này.

  1. Bài học kinh nghiệm cho giáo dục Việt Nam

Thứ nhất, thay đổi tư duy

Năm 2014, Việt Nam cũng tiến hành cải cách tuyển sinh vào đại học. Theo đó, 2 kỳ thi là tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh vào đại học được gộp chung lại thành một kỳ thi duy nhất. Việc thi và xét tuyển vẫn căn cứ trên điểm thi và căn cứ vào khối lựa chọn để thí sinh nộp đơn vào đại họcnhư trước đây. Tuy nhiên, nền tảng tuyển sinh vào trường đại học Trung Quốc áp dụng hiện nay (theo kiểu Mỹ) là người ta chọn “con người”, trong khi đó Việt Nam là chọn “điểm thi”. Chính từ nền tảng này kéo theo cách tuyển sinh khác nhau từ 2 hệ thống giáo dục [2]. Giáo dục Việt Nam vẫn mang nặng tính thi cử.Vấn đề đặt ra là liệu “điểm thi” có phải là thước đo hữu hiệu nhất để đánh giá năng lực của người học? Liệu rằng sự thành công của lựa chọn nghề nghiệp và đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay mục tiêu của giáo dục là phát triển năng lực người học toàn diện – cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ và những phẩm chất đạo đức khác thì “ điểm thi” có đáp ứng được tiêu chí này hay không?

Do vậy, tuyển sinh đại học ở Việt Nam hiện nay chẳng qua thay đổi về cách thức tiến hành, còn về tư duy nhận thức vẫn chưa được xem là thay đổi thật sự. Tư duy đổi mới cần đột phá, đi vào gốc rễ vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở việc “bình mới, rượu cũ”. Do vậy, theo ý kiến chủ quan, việc cải cách này chúng ta cần thay đổi cách thức đánh giá, mở rộng các tiêu chí lựa chọn để từ đó người học lẫn nhà trường có thể tìm được đối tượng phù hợp, thật sự có đam mê, có tố chất để theo học ngành nghề nào đó.

Thứ hai, có lộ trình nhất định, phải tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội

Áp dụng hệ thống tuyển sinh đại học mới cần phải có lộ trình nhất định và tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao của xã hội. Bất kỳ một sự thay đổi hay chính sách mới nào khi được áp dụng cũng sẽ gây ra những tác động đến xã hội. Sở dĩ cuộc cải cách ở Trung Quốc được toàn xã hội ủng hộ do Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phân tích chỉ rõ những lợi ích có được và đưa ra lộ trình áp dụng. Theo đó, việc thay đổi hệ thống tuyển sinh vào đại học được thực hiện theo lộ trình như sau: Năm 2014, thành phố Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang bắt đầu thí điểm từng phần hệ thống tuyển sinh mới. Năm 2017, bắt đầu triển khai hệ thống tuyển sinh mới trên khắp cả nước. Năm 2020, triển khai tất cả những cải cách được đề xuất, hệ thống mới được thiết lập [1].Trong khi đó, ở nước ta lại áp dụng ngay trên diện rộng, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân, do vậy khi xảy ra sai sót dư luận sẽ phản ứng gay gắt mà bỏ qua những hiệu quả đạt được. Bác Hồ từng nói: “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhân dân là gốc, phải lấy dân làm gốc, chính sách phải bắt đầu từ người dân và trở về phục vụ nhu cầu cho người dân. Do vậy việc thay đổi hay cải cách cần tạo tâm lý tốt cho dư luận, có thử nghiệm và đánh giá tính khả thi, hiệu quả trên thực tế. Việc áp dụng hệ thống cải cách mới cần phải tiến hành thận trọng, phân tích đánh giá nghiêm túc để rút kinh nghiệm.

Thứ ba, tăng quyền tự chủ của các trường đại học trong công tác tuyển sinh

Tăng quyền tự chủ cụ thể ở đây chính là các trường có quyền tuyển sinh riêng. Mỗi trường, với đặc điểm, sứ mạng, mục tiêu khác nhau, các ngành học đặc thù khác nhau, việc lựa chọn đúng người học không chỉ căn cứ vào điểm đầu vào mà căn cứ trên các yếu tố khác nữa, đặc biệt hiện nay đó là phẩm chất đạo đức. Do vậy, nên mở rộng quyền tự chủ cho các trường trong khâu tuyển sinh, trong việc đề ra kế hoạch tuyển sinh nhưng bộ Giáo dục và đào tạo vẫn phải giám sát để bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu nhân lực đào tạo với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, tránh tình trạng “mạnh ai người nấy làm”. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một cơ chế để giao quyền tự chủ đi kèm “tự chịu trách nhiệm xã hội” thì chất lượng mới đảm bảo được.

Thứ tư, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng

Cuộc cải cách hệ thống tuyển sinh đại học của Trung Quốc theo mô hình tuyển sinh của Mỹ. Tuy nhiên, cái hay của họ chính là việc học tập này không phải mang tính rập khuôn, máy móc mà căn cứ trên nét riêng về văn hóa để áp dụng. Ví như căn cứ của hệ thống tuyển sinh các trường ở Mỹ có thể là thư giới thiệu hay các bài luận của thí sinh, nhưng ở Trung Quốc lại dựa vào bộ hồ sơ đánh giá năng lực toàn diện. Việt Nam thực hiện thay đổi tuyển sinh đại học qua việc học tập kinh nghiệm của nước phát triển, nhưng lại bỏ qua các yếu tố, điều kiện khác biệt. Ví dụ, theo ông Trần Thắng – Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại New York và xúc tiến các dự án giáo dục tại Việt Nam cho rằng sự khác biệt giữa việc tuyển sinh của Mỹ và Việt Nam trên 3 góc độ: số lượng trường đại học; sự trưởng thành của học sinh trong lựa chọn ngành nghề và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin [2]. Do vậy, về cơ bản chúng ta không thể áp dụng rập khuôn được mà cần tạo ra những cơ sở vững chắc để có thể áp dụng.

Tóm lại, thông qua cuộc cải cách hệ thống tuyển sinh đại học ở Trung Quốc đã cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Việc nhìn nhận thực trạng giáo dục Việt Nam và học hỏi những cách làm, kinh nghiệm tiến bộ cũng là một trong những hướng đi nhằm góp phần vào công cuộc đổi mới, cải cách toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

ThS. Nguyễn Thị Huệ (HVQG Hồ Chí Minh)

Tài liệu tham khảo:

  1. Trung Quốc cải cách tuyển sinh đại học theo phong cách Mỹ”, truy cập http://tiasang.com.vn/-giao-duc/trung-quoc-cai-cach-tuyen-sinh-dai-hoc-theo-phong-cach-my-9180, xem ngày 03/5/2019
  2. So sánh tuyển sinh đại học của Mỹ và Việt Nam”trên báo Vnexpress.net tại http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/so-sanh-tuyen-sinh-dai-hoc-cua-my-va-viet-nam-3269262.html, xem ngày 03/5/2019
  3. Thùy Linh, Trung Quốc thay đổi hệ thống thi đầu vào đại học, http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/trung-quoc-thay-doi-he-thong-thi-dau-vao-dai-hoc-3075431.html, xem ngày 03/5/2019
  4. https://danso.org/trung-quoc/

[1]Theo Bảng xếp hạng đại học thế giới QS (QS World University Rankings) – là một trong những bảng xếp hạng đại học thế giới uy tín nhất do Quacquarelli Symonds (Anh Quốc) công bố hàng năm.

[2]Các trường đại học của Mỹ thường dựa vào nhiều tiêu chuẩn để đánh giá trình độ của học sinh nộp đơn dự tuyển, tiêu biểu là: điểm của các bài kiểm tra được chuẩn hóa (SAT hoặc ACT), học lực tại trường trung học (điểm trung bình GPA và bảng điểm), các bài tiểu luận, thư giới thiệu, và bất cứ bằng chứng bổ sung nào về tài năng đặc biệt hoặc kinh nghiệm của học sinh.

[3]Lựa chọn môn thi: Cũng giống học sinh xin nhập học vào các trường đại học ở Mỹ có thể chọn các bài kiểm tra SAT II theo môn học hoặc các chương trình học AP khác nhau, hệ thống cải cách của Trung Quốc sẽ cho phép học sinh tùy chọn làm các bài kiểm tra ở ba môn trong tổng số sáu hoặc bảy môn học (tùy theo từng tỉnh), bên cạnh ba môn bắt buộc (Toán, Anh văn và Trung văn) để tính tổng điểm kiểm tra. Trong khi, theo hệ thống cũ, học sinh phải thi các môn giống nhau và theo đề bài chung do cấp tỉnh quyết định. 

[4]Lựa chọn trường: Trong hệ thống giáo dục Mỹ, học sinh có thể nộp đơn vào nhiều trường đại học thuộc nhiều ngành và thứ hạng khác nhau. Hệ thống cải cách của Trung Quốc sẽ cho phép những lựa chọn tương tự; trong khi ở hệ thống cũ, học sinh cần nộp một danh sách thứ hạng ưu tiên các trường đại học mà họ lựa chọn cho từng hạng điểm (có tất cả ba hạng điểm). Trường đầu tiên trong hạng điểm mà học sinh đạt tiêu chuẩn được độc quyền xem xét hồ sơ. Nếu bị từ chối, hồ sơ sẽ được chuyển sang lựa chọn thứ hai, nhưng đến lúc ấy trường đại học tại nguyện vọng thứ hai có thể đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Theo hệ thống mới, học sinh Trung Quốc có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học và có khả năng được nhận vào nhiều trường khác nhau

[5]Lựa chọn quy trình tuyển sinh: Các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ có nhiều cách thức tuyển sinh khác nhau: tuyển sinh sớm, tuyển sinh không hạn định thời gian, tuyển sinh định kỳ. Hệ thống cải cách tại Trung Quốc sẽ mở rộng các cách thức tuyển sinh do các trường đại học thiết kế để đem lại cho học sinh thêm nhiều lựa chọn.