Cà Mau: Kinh tế du lịch Du lịch sinh thái tiềm năng và vận hội

Cà Mau, được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt đã tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là một tiềm năng vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói.

Bạt ngàn rừng ngập mặn, lợ Cà Mau

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều sản vật giàu giá trị về kinh tế lẫn nét văn hoá của vùng đất phù sa, nên được mệnh danh là xứ “rừng vàng, biển bạc”. Chính sự trù phú, phì nhiêu ấy đã tạo nên một hệ sinh thái rừng đặc sắc riêng biệt mà ít nơi nào có được. Tận dụng tiềm năng, lợi thế ấy, bằng nhiều cách khác nhau, người dân vùng ngập mặn ở Cà Mau đã bám vào rừng để phát triển kinh tế, nhờ đó không ít hộ gia đình đã thay đổi số phận vươn lên khá giàu. Ngọc Hiển, Năm Căn là một trong những địa phương ấy.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, điểm thu hút đông khách du lịch

Ở đây, bờ Đông có chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều có trị số lớn từ 2,5-3m, bờ Tây thuộc vùng nhật triều với độ lớn của biên độ triều lúc triều cường là 1-1,5m. Thủy triều ở phía Đông đẩy nước triều vào sâu trong nội địa còn thủy triều ở phía Tây có xu thế hút triều ra phía biển. Nhờ lợi thế này, nguồn lợi thủy hải sản như nghêu, sò, chem chép, ốc len… cũng sinh sôi, phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao. Riêng vùng bãi bồi Mũi Cà Mau có chế độ thủy triều rất đặc biệt do tiếp giáp với 2 vùng biển có chế độ triều khác nhau.

Du khách check in trong rừng ngập mặn Mũi Cà Mau

Ông Nguyễn Quốc Việt, nhà ở xã Tân Ân Tây huyện Ngọc Hiển cho biết, ông lập nghiệp và bén duyên với vùng đất cuối cùng ở cực Nam của Tổ quốc hàng chục năm nay. Giờ với ông Việt, rừng là máu thịt, là cuộc sống đã giúp ông vững bước hàng chục năm qua. Ông tiếp lời: “Nơi đây là xứ nhiều muỗi, rắn, rết… với rừng thiêng, nước độc. Vậy mà, ngày ngày băng rừng để tuần tra, bảo vệ rừng, tôi lại yêu khung cảnh thiên nhiên nơi đây và gắn bó”

Trãi nghiệm du lịch đi võ lãi xuyên rừng ngập mặn

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, rừng ngập mặn Cà Mau có giá trị rất cao về mặt sinh thái, có tác dụng quan trọng trong việc phòng hộ, chống gió, chống xói lở. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, duy trì chất lượng nước thông qua các chức năng như lưu giữ đất, phù sa và chất hữu cơ, lọc dưỡng các chất ô nhiễm thông qua cây cối và quá trình lắng đọng.

Đền thờ Quốc tổ và Mẹ Âu Cơ tại Mũi Cà Mau

Dưới tác động của các dòng chảy những con sông lớn mang nguồn nước sạch dồi dào dinh dưỡng và ấu trùng nhiều giống thủy, hải sản cung cấp cho nội đồng tạo nên môi trường bền vững cho vùng nuôi trồng thuỷ sản khoảng 280.000ha của tỉnh Cà Mau. Góp phần đảm bảo năng suất ổn định cho chiến lược nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm đói nghèo. Mũi Cà Mau còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học.

Cùng với những tiềm năng, lợi thế đặc biệt và cũng rất khác biệt, hiếm có nơi nào có được. Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân lao động bằng nguồn lợi đa dạng, vô cùng màu mỡ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn còn giúp người dân “hái ra tiền” từ việc kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hình thức du lịch này đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Mũi Cà Mau suốt nhiều năm qua.

Sông Trẹm Thới Bình Cà Mau

Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết.: “Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau rất đa dạng, không chỉ có nguồn lợi dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Nơi đây, còn là nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật quý hiếm như rái cá, rắn hổ mang, khỉ, kỳ đà… sinh sống và phát triển an toàn. Đặc biệt, với hệ sinh thái màu mỡ như vậy, nên nhiều du khách rất thích đến Mũi Cà Mau tham quan, trải nghiệm, nhất là hoạt động xuyên rừng, xổ vuông, lội bùn bắt cua, câu cá thòi lòi”

 Vườn dâu ở hệ sinh thái ngọt U Minh Cà Mau, điểm thu hút khách du lịch check in

Ông Lê Minh Tỵ, Giám đốc Công ty TNHH Tư Tỵ, huyện Ngọc Hiển, cho hay: “Tận dụng lợi thế từ rừng, tôi đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh lĩnh vực du lịch. Đến đây, ngoài được thưởng thức các mon ăn dân dã, đậm vị phù sa thì du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: xổ vuông, giăng lưới, câu cá… rồi bắt những con cá, con tôm tự luộc, nướng ăn tại vuông tôm. Rất nhiều du khách yêu thích, lựa chọn trải nghiệm này”.

Ngọc Hiển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập mặn dồi dào, nhiều sinh kế. Để phát huy lợi thế đó, thời gian qua, huyện đã phối hợp với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các ngành chức năng cấp tỉnh tổ chức hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như mở tour xuyên rừng. Đồng thời, phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lich cộng đồng với nhiều sản phẩm hấp dẫn” – ông Lê Chí Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ngọc Hiển, chia sẻ.

Mênh mông rừng tràm

Không những nổi tiếng với vùng mặn lợ giáp hai mặt biển Đông Tây, mặc dù chưa từng nhận nước từ dòng MeKong nhưng Cà Mau vẫn có một hệ sinh thái rừng ngọt đặc sắc nổi tiếng. Trong đó, lâm phần chủ yếu nằm ở ba huyện U Minh, Trần Văn Thời và U Minh đã thu hút rất đông du khách đến trãi nghiệm du lịch sinh thái.

Chỉ tính trong năm 2024 có hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan các điểm du lịch sinh thái của huyện Thới Bình. Với hướng phát triển du lịch sinh thái gắn cộng đồng, vừa trải nghiệm những hoạt động dân dã, vừa bảo tồn các giá trị tự nhiên vùng sông nước, những địa chỉ du lịch như Sông Trẹm, Vườn cò Tư Sự… đang là điểm đến hút khách trong ngoài tỉnh.

Ðến nơi đây, du khách được hoà mình vào không gian của vùng quê thanh bình, trải nghiệm chèo xuồng, đặt lờ bắt cá trong ao… Ðặc biệt là chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên với hàng chục loài chim, cò khác nhau như: cò trắng, cò đen, cò ma, cò ngà, cò lép, còng cọc, bạc má, điên điển, vạc móc, vạc lửa… hàng trăm ngàn con.

Tôi chú trọng việc bảo tồn và trồng thêm cây xanh, tạo nên một rừng cây rộng khắp vườn, thu hút chim cò về trú ngụ, đồng thời đầu tư chỉnh trang cảnh quan toàn bộ khu vườn, tạo điểm nhấn cho du khách đến chụp ảnh lưu niệm” – ông Lê Minh Thắng, chủ điểm du lịch Vườn Cò Tư Sự nói.

Gắn với hoạt động trải nghiệm, tham quan, các điểm du lịch sinh thái đang rất được ưa chuộng, ngành du lịch còn dịp để cho du khách mua về cho người thân những món đặc sản từ các sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Du lịch Thới Bình rất có tiềm năng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện xây dựng chuỗi du lịch sinh thái gắn với cộng đồng để mời gọi khách du lịch về đây cùng sinh hoạt, trải nghiệm với người dân. Do chỉ mới định hình, chưa xác định được tour, tuyến nên huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, các đơn vị để thiết kế xây dựng kịch bản hoàn chỉnh, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

Theo ông Vững, thu hút và hình thành tour, tuyến du lịch của huyện là quá trình, do đó cần thời gian cũng như công sức. Ðể có những bứt phá, bên cạnh giải pháp của huyện, cần sự quan tâm của tỉnh, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ gia đình có nền tảng du lịch tham gia làm dịch vụ du lịch, hướng tới nền văn hoá du lịch cộng đồng.

Huyện Thới Bình đang hướng đến ngành du lịch cộng đồng với nhiều tiềm năng phát triển từ thế mạnh của huyện, gồm: du lịch tâm linh lịch sử văn hoá như: Ðền thờ Vua Hùng, Phủ thờ Bác; các điểm di tích như: chùa Cao Dân, chùa Rạch Giồng, Toà thánh Ngọc Sắc…” – ông Lý Minh Vững nói thêm.

Biểu Nam