NHÂN NGÀY THẦY THUỐC 27-2 : KỶ NIỆM VÀ SUY NGHĨ TỪ MỘT CHUYẾN ĐI
Nhân kỉ niệm ngày thầy thuốc 27-2. tieudungantoan đăng bài viết của ông Nguyễn Trung Thực Nguyên Bí thư Đảng ủy Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác và Bs Nguyễn Vân Sáu Nguyên Chánh văn phòng Học Viện Quân Y. viết về kỉ niệm vói GSTSKH Lê Thế Trung, vị tướng anh hùng
Từ hành trình đi tìm mộ vị Đại danh y
Có lẽ chúng ta nay ít người còn nhớ, lúc sinh thời, bên cạnh chức vụ Giám đốc Học Viện Quân Y, thầy Trung còn kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban Y học cổ truyền thuộc Hội đồng Chuyên viên Cục quân y. Ông là người say mê y học dân tộc. Những thành tựu nghiên cứu trước đó của ông, nhất là các công trình nghiên cứu điều trị bỏng, ít nhiều gắn với y học cổ truyền. Vì vậy, chúng ta có thể đoán chắc là Thầy phải ngưỡng mộ lắm những vị danh y của dân tộc, của đất nước, những người đã để lại cho hậu thế những bài thuốc, những phương cách trị bệnh cứu người vô cùng giá trị.
Mỗi năm Thầy Trung thường có từ vài lần đi công tác tại các quân khu, quân đoàn. Ông làm việc với lãnh đạo các quân khu, quân đoàn, các bệnh viện quân binh chủng rồi xuống các tuyến sư đoàn, trung đoàn trao đổi, chỉ đạo công tác chuyên môn và kết hợp tìm hiểu những gì cần phải chỉnh sửa, bổ sung cho việc nghiên cứu, cho chương trình đào tạo cán bộ của Học viện. Chuyến đi công tác Quân khu IV vào ngày mùng 10/4/1988 của Thầy là một chuyến đi đặc biệt. Cùng đi với ông có GS Bùi Xuân Tám (Viện trưởng Quân y viện 103), BS Chu Quốc Trường (Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Quân Y 103), BS Nguyễn Vân Sáu (Bí thư Viện trưởng Học viện Quân Y). Đồng hành cùng Thầy hơn hai năm kể từ ngày Thầy làm Giám đốc Học viện Quân Y, biết tính Thầy và đã từng đưa Thầy đi công tác hàng chục lần suốt từ nam chí bắc, lái xe Nguyễn Duy Nghị đã chuẩn bị đầy đủ nào bếp dầu, xoong nồi, gạo, mỳ tôm, mắm, muối, bột ngọt, bát đũa cho một mâm sáu người.
Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước đã có sự đổi mới nhưng Mỹ vẫn cấm vận, hai đầu đất nước vẫn còn chiến tranh rất khốc liệt. Đường đi Hà Nội vào Hương Sơn dài 364km vẫn còn rất khó khăn. Xe xuất phát từ 7 giờ mà mãi đến 16h mới tới Bộ tư lệnh Quân khu IV tại thành phố Vinh. Biết Thầy tới, những học trò Khóa 1, Khóa 2 của Học viện Quân Y đón Thầy và đoàn Học viện Quân Y và đoàn cán bộ Bệnh viện Quân Y 103 thật chu đáo và đầy tình cảm. Sáng hôm sau đoàn tiếp tục lên đường. Cùng đi với đoàn còn có thêm BS Nguyễn Khánh Hoành, trợ
lý Phòng quân y Quân khu IV. Đường quốc lộ 8 từ Vinh sang Lào còn quá xấu. Quãng Vinh – Hương Sơn chỉ hơn 50km đầy những ổ gà, thậm chí ổ trâu ổ voi. Tay lái lụa Nguyễn Duy Nghị đã từng đưa Thầy vượt đèo Pha Đin, dốc Mai Sơn, đèo Khế trong những chuyến đi công tác vùng Tây Bắc, Việt Bắc nhưng cũng toát mồ hôi, đánh vật với con đường số 8 còn bao dấu tích chiến tranh chưa được thời gian xóa hết.
Đoàn HVQY và BVQY 103 vào Hương Sơn lần đầu tiên để tìm mộ Đại danh y Lê Hữu Trác. BS Chu Quốc Trường, BS Nguyễn Khánh Hoành, GS Lê Thế Trung, GS Bùi Xuân Tám, BS Nguyễn Vân Sáu. (kể từ Phải sang Trái)
Đến Hương Sơn lúc 9h30 sáng, gửi xe lại thị trấn, Thầy cùng đoàn phải qua đò để sang bờ bắc sông Ngàn Phố và dựa theo những dấu vết trong tác phẩm “Y tông tâm lĩnh” để lần tìm ngôi mộ vị Đại danh y.
Câu chuyện kể vào những năm cuối đời, sau chuyến thượng Kinh để chữa bệnh cho Chúa Trịnh Cán, Lê Hữu Trác trở lại quê mẹ trong tình trạng sức khỏe giảm sút, biết khó qua khỏi nên ông đã dặn dò người trong nhà: sau ngày Tết năm ấy, hãy cho thả diều rồi cắt dây diều, diều rơi ở đâu thì tìm đặt mộ tôi ở đó. Làm theo lời Hải Thượng, con cháu đã an táng Cụ dưới chân núi Minh Tự cách tảng đá Bàn Cờ Tiên khoảng 50m theo hướng Bắc Nam, hai bên tả hữu đều có dòng suối chảy róc rách quanh năm như hiện tại.
Thầy có tư liệu khá đầy đủ về mộ Hải Thượng, lại còn biết thêm qua nhiều nguồn thông tin truyền miệng. Dòng họ Lê Hữu Trác, hậu duệ các đời con cháu, chắt … sống rải rác suốt từ Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Trung, Phố Châu xuống cả Sơn Hòa. Chi họ anh cả cụ Hải Thượng là Lê Hữu Tám đã cúng tiến ngôi nhà thờ bằng gỗ lim được xây dựng từ Thế kỷ 19 tại xã Sơn Hòa. Năm 1970, chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra rất khốc liệt. Nhà thờ này đã được chuyển từ Sơn Hòa về dựng lại tại thôn Tịch Diệm, xã Sơn Quang và nay là Hậu Cung của Khu di tích lịch sử, văn hóa tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Vượt qua 500m đường bộ, lội bùn bãi bồi rồi đi đò qua sông Ngàn Phố, lại tiếp tục đi bộ men theo sườn dốc núi Minh Tự, qua một thung lũng nhỏ, một vườn sắn, một vườn mít theo la bàn của BS Chu Quốc Trường và chỉ dẫn của ba bốn người dân bản địa, Thầy Trung và mọi người trong đoàn đã xác định được mộ Cụ Hải Thượng.
Thầy và mọi người trong đoàn không khỏi ngạc nhiên và một thoáng buồn vì một ngôi mộ của vị Đại danh y nổi tiếng lại ở trong cảnh hoang vắng, xác xơ đến vậy. Mộ chỉ là một nấm đất cây cối mọc um tùm che khuất. Xung quanh chỗ Cụ nằm còn có rất nhiều ngôi mộ vô chủ.
Nghe bà con bản địa kể nơi đây từ hàng bao năm về trước đã là nơi chôn cất những người chết của dân vạn chài sống bằng nghề đánh cá trên sông Ngàn Phố, trải suốt từ xã Sơn Diệm đến tận ngã ba Linh Cảm, nơi gặp sông Ngàn Sâu.
Theo chỉ đạo của Thầy, chỉ dẫn của những người dân, BS Chu Quốc Trường, BS Nguyễn Vân Sáu, lái xe Nguyễn Duy Nghị phải bới đất vạch cỏ hồi lâu mới thấy tấm bia đá. Lấy nước cọ rửa mãi để rõ chữ khắc trên bia. BS Trường đọc “Lê Hữu Trác chi mộ”. Thầy cảm động mừng rơi nước mắt.
Sau khi làm các thủ tục cúng viếng, Thầy yêu cầu anh em trong đoàn tìm kiếm và trồng trước mộ một khóm trúc quân tử để mọi người về sau đến thăm viếng dễ tìm dễ thấy. Hiện nay, khóm trúc xanh tốt xum xuê, tán rộng che mát cả phần mộ Cụ.
GS Lê Thế Trung, BS Chu Quốc Trường, BS Nguyễn Vân Sáu, Lái xe Nguyễn Duy Nghị đã qua sông Ngàn Phố, đến tận chân núi Cánh Diều tìm mộ Cụ Hải Thượng. Phải dùng nước lau rửa bia mộ để nhìn rõ chính xác chữ ghi (chữ Nam ở trên, chữ Quốc ngữ ở dưới) là mộ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. (Mộ được đánh dấu bởi bụi Trúc Quân Tử)
Có một hiện tượng ngẫu nhiên trùng hợp đến lạ lùng như một sự linh ứng. Khi đoàn đến Phố Châu, qua đò sang bờ bắc sông Ngàn Phố, vừa lên bờ thì mây đen ùn ùn kéo đến, bao phủ cả dãy núi Minh Tự và vùng lân cận. Sấm chớp đùng đùng tưởng như cơn mưa sẽ đổ ập xuống.
Mọi công việc vẫn tuần tự diễn ra như kể trên. Đến lúc đoàn thắp nén nhang xin tạm biệt Cụ thì bỗng trời trở lại quang đãng, mây tạnh cùng nắng mới của tiết thanh minh và không gian lúc đó thật yên bình, tĩnh lặng. Mọi người ai nấy đều thanh thản, nhẹ nhõm vì đã hoàn thành một việc lớn. Theo kế hoạch đã định, Thầy Trung và đoàn tới gặp lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn, hội Đông y huyện cũng có mặt trong cuộc gặp.
Đúng là duyên may, Chủ tịch Hội Đông y Hương Sơn là Lê Hữu Quý lại là hậu duệ đời thứ 19 của cụ Lê Hữu Trác. Thầy đã đề xuất và góp ý một số vấn đề về việc tôn tạo khu mộ của Cụ. Những đề xuất của Thầy đã được lãnh đạo huyện và Hội Đông y Hương Sơn tích cực thực hiện trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, do Hương Sơn là một huyện nghèo, việc tôn tạo xây dựng mở mang khu mộ chỉ mới ở mức độ nhất định ban đầu.
Cũng trong chuyến đi này, với sự giới thiệu của BS Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Đông y Viện quân y Quân khu IV, Thầy Trung đã gặp và mời được ông Trần Thanh Tâm, nhà điêu khắc, đắp tượng nổi tiếng của Hà Tĩnh ra Hà Nội.
Liền trong hai năm 1988 – 1989, ông Trần Thanh Tâm đã hoàn thành 3 công trình để đời cho đơn vị. Đó là tượng Bác Hồ đặt ở trước nhà số 1 Học viện Quân Y, tượng Danh y Tuệ Tĩnh đặt ở vườn dược liệu Bệnh viện Quân Y 103, tượng Danh y Lê Hữu Trác đặt ở trước khoa A9 (Khoa Y học Cổ truyền) Bệnh viện Quân Y 103.
Cho tới nay, dù có những đổi thay về qui hoạch xây dựng đơn vị, những bức tượng này, đặc biệt là tượng Bác Hồ được các thế hệ nối tiếp nhau của Học viện Quân y chăm sóc, bảo vệ và đặt ở những vị trí trang trọng nhất của đơn vị.
Chắc chắn rằng tượng Bác Hồ và hai vị Đại danh y, hai ngôi sao sáng của nền y học Việt Nam, sẽ trường tồn cùng với Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103.
Trở lại với thành phần đoàn đi công tác. Không phải ngẫu nhiên mà Thầy chỉ định đích danh BS Chu Quốc Trường đi cùng trong chuyến tìm mộ Hải Thượng. Khi đó anh đang đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn – Khoa Đông y Bệnh viện Quân Y 103. Sự nghiệp của anh hầu như gắn liền với y học cổ truyền. Là người có vốn tiếng Trung từ khi là học sinh trường phổ thông cấp III Việt Đức, lại có thêm hai năm học tập tại Trung Quốc, BS Trường rõ ràng là một chuyên gia tin cậy trong việc xác nhận bia mộ vị Đại danh y.
Đến những việc dựng xây, thúc đẩy y học cổ truyền dân tộc
Ôn cố tri tân, GS Lê Thế Trung đã tìm lại và mở đầu cho việc tu bổ, tôn tạo khu mộ Hải Thượng Lãn Ông đồng thời Thầy cũng là người có tầm nhìn xa và công lao to lớn trong việc xây dựng nền móng và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y học cổ truyền, ngành bỏng và thúc đẩy sự kết hợp hai nền Y học trong điều trị bỏng nói riêng và bệnh tật nói chung.
Sau khi khánh thành tượng Bác Hồ, tượng hai vị Danh y của dân tộc, vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Học viện Quân Y (10/3/1949 – 10/3/1989) thầy gọi GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, BS Nguyễn Vân Sáu lên giao nhiệm vụ: hai anh giúp tôi liên hệ với Bộ y tế, Bộ quốc phòng và Văn phòng Hội đồng bộ trưởng để xin ra đời một Trung tâm bỏng quốc gia theo mô hình quân dân y. Cho đến nay khi nhớ lại, mỗi chúng ta đều không khỏi khâm phục một ý tưởng độc đáo, một tầm nhìn xa trông rộng đầy trí tuệ của Thầy…
GS Phạm Mạnh Hùng cùng TS Trần Xuân Vận, BS Nguyễn Vân Sáu đã cùng nhau bàn bạc, xây dựng luận chứng khoa học, chuẩn bị các văn bản giấy tờ báo cáo với các cơ quan liên quan.
Rất nhiều lần, nhiều đêm khuya, có hôm chầu trực đến gần nửa đêm, cả GS Hùng và BS Sáu cùng lái xe vẫn nhẫn nại chờ một cán bộ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đi họp về để giải trình thế nào là kết hợp quân dân y trong mô hình này.
Ngày nhận quyết định ra đời Viện bỏng Quốc gia, thầy Trung cùng GS Phạm Mạnh Hùng, BS Nguyễn Vân Sáu, TS Trần Xuân Vận và mọi người trong đơn vị vui mừng, xúc động mà không ngòi bút nào tả xiết trước một dấu mốc lịch sử quan trọng.
Quyết định ghi rõ: “… Nay thành lập Viện bỏng Quốc gia mang tên Lê Hữu Trác gọi tắt là Viện bỏng Lê Hữu Trác… Viện được đặt tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội”.
BS Nguyễn Vân Sáu có lần chia sẻ: không những là “Viện bỏng Quốc gia” mà còn phải mang cả tên Cụ Lê Hữu Trác nữa mới đúng cái tận cùng tâm nguyện của Thầy Trung.
Phải nói rằng GS Lê Thế Trung đã đặt nền móng và rồi những người học trò tri ân, tri kỷ của Thầy đã kế tiếp nhau tạo dựng nên hai dấu ấn để đời: Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác tọa lạc trên đất làng Yên Xá xã Tân Triều và công trình thứ hai là Quần thể di tích Đại danh y Lê Hữu Trác tại Hương Sơn bao gồm khu mộ Hải Thượng Lãn Ông nằm trên núi Cánh Diều thuộc xã Sơn Trung và Khu di tích Đại danh y Lê Hữu Trác tại Hương Sơn, nơi Hải Thượng Lãn Ông ở và hành nghề lúc sinh thời.
GS.TS Lê Năm trong 12 năm (2000-2013) kế nhiệm Thầy trên cương vị Giám đốc Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã cùng với tập thể Viện bỏng Quốc gia xây dựng lên một Bệnh viện – Khách sạn xanh sạch đẹp nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Những người Thầy, người Anh với tâm huyết và tầm nhìn sâu rộng đã khởi nguồn, sáng lập và cùng cán bộ, chiến sĩ của HVQY và BVQY 103 xây dựng nên Viện bỏng Quốc gia mang tên Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. GS Lê Năm, GS Lê Thế Trung, GS Phạm Mạnh Hùng, BS Nguyễn Vân Sáu. (từ Phải sang Trái)
Thời đó các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tư nhân mọc lên như nấm nhưng Viện bỏng Quốc gia mỗi năm vẫn thu dung không dưới 8000 ca trong đó có hàng trăm công dân các nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Newzeland, Lào, Nga, Ukaraina, Indonexia, Thái Lan…
Nhiều bệnh nhân khi vết thương bỏng đã khỏi, bác sĩ gợi ý ra viện sớm vẫn nhất quyết xin ở lại cho đến lúc lành hẳn. Họ nói với bác sĩ điều trị: phòng bệnh nhân của các bạn mà chúng tôi thấy cũng như phòng nghỉ của những khách sạn sang trọng, tiền thuốc, tiền phòng tính bằng đô la chỉ bằng một nửa nếu điều trị trong nước chúng tôi. Sự chăm sóc của các nhân viên y tá, bác sĩ thật là tỉ mỉ, chu đáo. Các bạn đối với chúng tôi cũng rất nhẹ nhàng, thân thiện như người trong gia đình vậy.
Cho đến nay, năm 2024, thời gian tích lũy đủ đầy những thăng trầm, tròn 60 năm truyền thống từ Khoa bỏng Bệnh viện Quân Y 103 đến Bệnh viện bỏng Quốc gia mang tên Lê Hữu Trác, những điều tốt đẹp ấy vẫn được các thế hệ nối tiếp như các Giám đốc PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, GS.TS Nguyễn Như Lâm cùng với tập thể Bệnh viện gìn giữ, phát huy. Hàng năm, Bệnh viện vẫn thường được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước…
Giống như quá trình hình thành và phát triển của Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, tâm niệm của GS Lê Thế Trung về quần thể di tích vị Đại danh y tại Hương Sơn cũng đã được những người học trò xuất sắc của Thầy từng bước biến thành hiện thực và nâng tầm giá trị, tương xứng với một Bệnh viện chuyên ngành tuyến cuối của quốc gia mang tên Cụ tọa lạc tại Thủ đô Hà Nội.
GS Lê Thế Trung đã giao cho người học trò xuất sắc của mình GS. TS Lê Năm, người vừa có tâm vừa có tầm đã cùng Công ty Mỹ thuật Trung ương làm việc không biết mệt mỏi, nên ngày 31 tháng 10 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định phê chuẩn Dự án Tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn – Hà Tĩnh đúng 25 năm sau ngày Thầy tìm được mộ Cụ.
Năm 2013, GS.TS Lê Năm chủ đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Đại danh y Lê Hữu Trác tại Hương Sơn” đã bàn giao cho Hà Tĩnh một khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh uy nghiêm hoành tráng xứng đáng với di sản to lớn mà Hải Thượng đã để lại cho ngành Y học Việt Nam.
Trước ngày bàn giao công trình: “Tu bổ, tôn tạo quần thể di tích “Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” cho địa phương. Thiếu tướng, GS.TS Lê Năm – Giám đốc Viện Bỏng – Chủ đầu tư dự án; Đại tá PGS.TS Nguyễn Văn Huệ – Phó giám đốc; Đại tá PGS.TS Nguyễn Gia Tiến – Phó giám đốc – Trưởng ban quản lý dự án; Đại tá, Cử nhân Nguyễn Trung Thực – nguyên Phó giám đốc Viện Bỏng, người được giao trong nom, giám sát công trình suốt 9 năm đã vào kiểm tra lần cuối toàn bộ quần thể gồm: Khu mộ tượng đài, nhà đón tiếp, khu nhà thờ – Sơn Quang; khu nhà thờ – Sơn Giang để chuẩn bị bàn giao quần thể di tích cho tỉnh Hà Tĩnh.
Quần thể di tích trải dài trên một cung đường gần 8km dọc theo sông Ngàn Phố thơ mộng bao gồm nhà thờ Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm, chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang, mộ, tượng đài và khu du lịch sinh thái Hải Thượng ở xã Sơn Trung. Với gần 40 tỉ đồng công trình được hoàn thành trong vòng 9 năm (2004-2013). Ngày khánh thành các lãnh đạo của các Bộ, Ban nghành địa phương đánh giá cao chất lượng công trình do Viện Bỏng Quốc Gia làm chủ đầu tư xây dựng.
GS Lê Thế Trung (bên phải) cùng ông Hà Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (giữa), GS Lê Năm (trái) và Đoàn đang vào thắp hương kính lễ Hải Thượng Lãn Ông nhân ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Tỵ (2001), Hàng thứ hai : con trai GS Lê Thế Trung , GS Lê Trung Hải .
Thắp hương tưởng niệm đền thờ Đại danh y Lê Hữu Trác, ràm tháng giêng năm 2001 GS Lê Năm, GS Lê Thế Trung và con trai cả GS Lê Trung Hải (Khi đó là TS Chủ nhiệm khoa Ngoại bụng Viện QY 103), Con dâu; Bs Phan Việt Nga (Nay là PGS – Thầy thuốc Nhân dân)
Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Cụ, Đại hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh. danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân Văn hóa.
Như. vậy Cụ là một trong 7 Danh nhân Văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh, đó là một vinh dự lớn lao của người dân Việt Nam nói chung, của những người làm công tác y tế nước ta, nhất là các cán bộ và nhân viên Bệnh viện bỏng Quốc gia cùng Học viện Quân Y nói riêng.
Thiếu tướng GS.TS Lê Năm – Nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, chủ đầu tư dự án đầu tiên “Tu bổ, tôn tạo Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” chụp ảnh cùng các đại biểu quốc tế tại Hội thảo Quốc tế Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Danh nhân Văn hóa và Giá trị di sản ngày 20/12/2024
Xâu chuỗi các sự kiện, chúng tôi nghĩ chuyến đi công tác đặc biệt của Thầy Trung năm 1988, Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, quần thể di tích lịch sử văn hóa Đại danh y Lê Hữu Trác tại Hương Sơn cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc UNESCO vinh danh tên tuổi Cụ và những công trình lưu dấu ấn cái tâm, cái tầm này của GS Lê Thế Trung cùng người kế nhiệm là GS Lê Năm PGS Nguyễn Gia Tiến, chắc chắn sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, cùng đất nước./