Thực trạng và giải pháp quy hoạch về đất đai ở việt nam hiện nay
Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Với áp lực phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu làm cho thế giới ngày càng nóng lên khiến băng ở hai cực tan ra, mực nước biển tăng cao nhấn chìm một bộ phận đất đai không nhỏ cộng thêm sự bùng nổ dân số và hiện trạng sử dụng đất như hiện nay có thể thấy nguồn tài nguyên đất đai ngày càng suy thoái, khan hiếm. Từ đó, đòi hỏi phải có sự tính toán, phân bổ hợp lý để sử dụng nguồn lực tối đa từ đất đai, đồng thời bảo vệ được nguồn tài nguyên giới hạn này. Hoà chung với tiến trình của toàn thế giới, Việt Nam sử dụng quy hoạch sử dụng đất đai là nền tảng.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức nào về quy hoạch sử dụng đất. Theo từ điển Bách khoa Việt Nam thì quy hoạch đất đai là: “Việc bố trí, sắp xếpvà sử dụng các loại đất đai một cách hợp lý để sản xuất ra nhiều nông sản chất lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn. Quy hoạch đất đai chia làm hai loại: Quy hoạch đất đai cho các vùng, các ngành, và quy hoạch đất đai trong nội bộ xí nghiệp. Việc quy hoạch giữa các vùng, các ngành tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và có mối liên hệ chặt chẽ của lực lượng sản xuất với phân vùng của cả nước”. Đất cần quy hoạch không chỉ là đất nông nghiệp mà còn nhiều loại đất khác nữa như đất đô thị, đất khu dân cư nông thôn, đất khu công nghiệp, đất xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội như giao thông, thủy lợi, thủy điện, khai khoáng, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí… bởi vậy khái niệm trên chưa bao quát được tất cả loại đất.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO, 1993) định nghĩa: “Quy hoạch sử dụng đất đai là sự đánh giá tiềm năng đất nước có hệ thống, tính thay đổi trong sử dụng đất đai và những điều kiện kinh tế xã hội để chọn lọc và thực hiện các sự chọn lựa sử dụng đất đai tốt nhất. Đồng thời quy hoạch sử dụng đất đai cũng là chọn lọc và đưa vào thực hành những sử dụng đất đai đó mà nó phải phù hợp với yêu cầu cần thiết của con người về bảo vệ nguồn tài nguyên trong tương lai”. Ở đây, chức năng của quy hoạch đất đai được hiểu là hướng dẫn sự quyết định sử dụng đất đai nhưng cũng đồng thời bảo vệ cho tương lai. Căn cứ vào quy định hiện hành về nội dung quy hoạch sử dụng đất có thể hiểu quy hoạch sử dụng đất là sự tính toán khoa học về số lượng, chất lượng, vị trí, không gian…nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tếxã hội. Nó là sự bảo đảm cho các mục tiêu kinh tếxã hội có cơ sở khoa học và thực tế, bảo đảm cho việc sử dụng đất phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội đối với từng loại mục đích sử dụng. Đây là căn cứ khoa học để sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác một cách tiết kiệm, có hiệu quả. Việc điều tiết các quan hệ đất đai như: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đều phải căn cứ vào quy hoạch. Quy hoạch còn là công cụ để phân bổ nguồn lực (kể cả nguồn vốn, lao động và công nghệ) đồng đều các vùng miền trong cả nước.
Quy hoạch sử dụng đất bao giờ cũng gắn liền với kế hoạch sử dụng đất. Bởi, kế hoạch sử dụng đất là các biện pháp, thời gian để sử dụng đất theo quy hoạch. Nếu quy hoạch thiếu tính toán, không xác định được thời hạn thực hiện, không có kế hoạch cụ thể sẽ gây ra tình trạng “quy hoạch treo”. Kết quả này trái với chức năng, nhiệm vụ của quy hoạch là thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, gây lãng phí không bảo vệ tương lai phát triển.
1. Thực trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở Việt Nam hiện nay Hiện nay, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17/2011/QH13. Bộ TN&MT đã đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương và Bộ trưởng đã ký thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 190/BC-CP ngày 15/5/2013 của Chính phủ gửi Quốc hội và Báo cáo số 193/BC- CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 của Quốc hội. Cụ thể như sau:
– Đối với cấp tỉnh: Bộ đã trình Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) cho 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Đối với cấp huyện: có 352 đơn vị hành chính cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 49,93%); có 330 đơn vị hành chính cấp huyện đang triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 46,81%); còn lại 23 đơn vị hành chính cấp huyện chưa triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 3,26%).
– Đối với cấp xã: có 6.516 đơn vị hành chính cấp xã được cấp có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 58,41%); có 2.907 đơn vị hành chính cấp xã đang triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 26,06%); còn lại 1.733 đơn vị hành chính cấp xã chưa triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 15,53%).
Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020): Bộ Tài nguyên và môi trường đã triển khai việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 20/5/2015. Đến hết tháng 6 năm 2015 đã có 06 Bộ, ngành và 52 tỉnh gửi Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đăng ký nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 và còn một số tỉnh, thành phố chưa gửi báo cáo. Kế hoạch tổ chức và thực hiện việc kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) các cấp. đã được thành lập.
Điển hình như, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố vừa thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của Thành phố.Theo đó, HĐND Thành phố nhất trí thông qua điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 với diện tích, cơ cấu các loại đất cụ thể như sau:
Đất rừng: điều chỉnh tăng 4.346ha so với chỉ tiêu phân bổ, trong đó đất rừng phòng hộ tăng 589ha; đất rừng đặc dụng giảm 2.347ha; đất rừng sản xuất tăng 3.766ha so với chỉ tiêu phân bổ. Đối với đất quốc phòng giảm 1.425ha, đất an ninh điều chỉnh tăng lên 627ha đến năm 2020. Đất xây dựng khu, cụm công nghiệp, điều chỉnh giảm 1.316ha.
Với đất bãi thải, xử lý chất thải, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 647ha, giảm 2.762ha. Đất ở tại đô thị, khu đô thị được điều chỉnh tăng 2.928ha, đất ở nông thôn được điều chỉnh tăng 207ha.
Đồng thời, HĐND Thành phố cũng nhất trí thông qua kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) Thành phố Hà Nội với diện tích các loại đất phân bổ trong năm. Kế hoạch cụ thể như sau: Đất nông nghiệp cho năm 2016: 190.732,67ha; năm 2017: 186.404,65ha; năm 2018: 182.564,38ha; năm 2019: 179.930,97ha; năm 2020: 174428,54ha. Đất phi nông nghiệp cho năm 2016: 139.336,95 ha; năm 2017: 144.473,93ha; năm 2018: 149.589,61ha; năm 2019: 153.364,09ha; năm 2020: 159.716,20ha. Đất chưa sử dụng cho năm 2016: 5.831,50ha; năm 2017: 5.022,53ha; năm 2018: 3.747,13ha; năm 2019: 2.606,06ha; năm 2020: 1.756,38ha. HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố thực hiện phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các quận, huyện, thị xã; tổ chức phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) Thành phố Hà Nội. Thực tế quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất đã và đang đạt được nhiều chỉ tiêu sử dụng đất quan trọng, góp phần to lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh.
Như tại Tuyên Quang, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Tuyên Quang, ông Phạm Văn Lương cho biết, kế hoạch sử dụng đất 2016 là xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2016. Đây là căn cứ để thực hiện thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng, giao đất, cho thuê đất, phát huy nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Trong kế hoạch sử dụng đất của thành phố Tuyên Quang, dự kiến, năm 2016 sẽ có 262,55 ha đất phải chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 261,12 ha; chuyển mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp là 1,43 ha, thu hồi 274,56 ha (đất nông nghiệp 261,12 ha, đất phi nông nghiệp là 13,44 ha). Phương án kế hoạch sử dụng đất năm 2016 thành phố Tuyên Quang được lập trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương. Về cơ bản, việc xác chỉ tiêu sử dụng đất của phương án là hợp lý, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 của thành phố Tuyên Quang.
Về việc huỷ bỏ, thay đổi kế hoạch sử dụng đất, một số địa phương cơ bản xử lý tình trạng dự án chậm triển khai. Đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bỏ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 564 dự án, diện tích 5.736 ha. Số lượng dự án bị thu hồi, hủy bỏ tăng thêm 28 so với cuối năm 2014. Đồng thời, Thành phố đã điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích để sớm kết thúc 9 dự án.
2. Những điểm bất cập trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay
Công tác lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về cơ bản ngày càng hoàn thiện và đạt được kết quả tích cực nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong trên thực tế. Một số địa phương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cấp huyện chậm so với quy định, dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch bị ảnh hưởng. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Chất lượng của nhiều quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ trong sử dụng đất cũng như chưa đầy đủ căn cứ pháp lý thể hiện ở việc các quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực đất đai để thực hiện. Việc không đồng nhất các chỉ tiêu thống kê các loại đất dẫn đến việc đánh giá các chỉ tiêu thực hiện quy hoạch không đầy đủ, chính xác. Chỉ tiêu phê duyệt chưa đảm bảo diện tích đất tối thiểu so với quy chuẩn xây dựng về giao thông, y tế, giáo dục…Nhiều địa phương còn gặp khó khăn, bị động khi giải quyết đối với trường hợp biến động các chỉ tiêu sử dụng đất trong quá trình thực hiện so với các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch được duyệt, phát sinh các dự án, công trình chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Hay, một số hạng mục công trình đã có trong chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng cơ quan chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất đai, phải lùi tiến độ thực hiện.
Quy hoạch, kiến trúc đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa thực sự chú ý tới yếu tố bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, bất cập về cơ chế, nhiều nơi bị buông lỏng, thiếu sự phân cấp, phân công hợp lý về chức năng đối với các sở chuyên ngành như xây dựng, quy hoạch – kiến trúc và ủy ban nhân dân các quận, huyện trong quản lý, theo dõi việc lập, thẩm định, trình duyệt và thực hiện quy hoạch. Lực lượng cán bộ chuyên trách cho công tác này còn nhiều hạn chế về năng lực. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn tới tình trạng vi phạm quy hoạch diễn ra phổ biến nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, nhất là trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Công tác lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai chưa thực sự được chú trọng. Tình trạng quy hoạch “treo” còn phổ biến. Trên cả nước vẫn còn hàng ngàn dự án “treo” chưa được thu hồi. Việc xử các dự án sau khi thu hồi cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau khi chấm dứt pháp lý dự án, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân nhưng trên thực tế, do chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng không liền thửa, liền khoảnh nên cả người dân lẫn doanh nghiệp đều khó để sử dụng phần đất của mình, chính quyền cũng khó điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, dù là hủy bỏ dự án nhưng quy hoạch không thay đổi nên người dân không dám xây dựng kiên cố hay đầu tư sản xuất lâu dài vì lo nhà nước thực hiện quy hoạch sẽ không được bồi thường do không có các chính sách đối với người dân sau khi thu hồi dự án “treo” hoặc các quy hoạch chậm thực hiện.
3. Hướng hoàn thiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai
Kinh tế – xã hội phát triển rất nhanh do yêu cầu phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sử dụng đất và nhu cầu sử dụng ngày càng đa dạng từ đó đòi hỏi công tác quản lý quy hoạch phải nâng cao chất lượng, có tầm nhìn chiến lược và đổi mới kịp thời.
Công tác lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tiếp cận phương pháp tiên tiến. Quan tâm đến vấn đề kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Quan tâm, lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch.
Hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm công khai, minh bạch. Chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử.
Đẩy mạnh xử lý sai phạm, đặc biệt là các sai phạm khiến tình trạng nhiều khu đất để hoang, dự án “treo” kéo dài gây ra thiệt hại, lãng phí nguồn đất và ngân sách nhà nước.
Kiến nghị hướng xử lý đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Xây dựng chính sách đối với người dân sau khi thu hồi dự án “treo” hoặc các quy hoạch chậm thực hiện tạo niềm tin với người dân không bị hạn chế về quyền theo quy định pháp luật.
Nguyễn Thị Thanh Hoa