TÌM GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY ĂN QUẢ TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 15/3, tại TP.Tân An, tỉnh Long An, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ Trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung; khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.
Trái cây đưa vào chế biến hiện còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 800.000 tấn SP/năm, riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, tuy nhiên hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Ngoài ra còn có hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Các sản phẩm quả chế biến hiện nay chủ yếu gồm: đồ hộp (dứa, nước quả,…), lạnh đông (dứa, sầu riêng,…), nước quả, sấy chiên chân không, sấy dẽo, muối,… Trong đó tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%.
Đa số các nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế, không đảm bảo về chất lượng, số lượng vùng nguyên liệu; sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ…
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, có 60/63 tỉnh thành có trồng thanh long, diện tích, sản lượng thanh long cả nước tăng lên rất nhanh, năm 1995, có 2,25 nghìn ha, sản lượng 22,83 nghìn tấn; đến năm 2018, diện tích 53,899 nghìn ha, trong đó diện tích thu hoạch 45,324 nghìn ha, sản lượng 1.061,117 nghìn tấn, tăng 24 lần về diện tích và tăng 46,5 lần về sản lượng. Thanh long được trồngtập trung chủ yếu tại 03 tỉnh Bình Thuận (29,272 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch 27,272 nghìn ha, năng suất 21,7 tấn/ha, sản lượng 591,965 nghìntấn); Long An (11,275 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch 8,226 nghìn ha, năng suất 32 tấn/ha, sản lượng 263,286 nghìn tấn) vàTiền Giang(7,913 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch 5,434 nghìnha, năng suất 29,7 tấn/ha, sản lượng161,522 nghìn tấn);
Nông dân huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang chăm sóc Thơm (dứa)
Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và một số thời điểm tại Mỹ; Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam liên tục tăng, từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên 483,41 triệu USD năm 2015; năm 2018 là 1,1 tỷ USD (chiếm 28,9% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước).
Khoảng 80 – 85% sản lượng thanh long được xuất khẩu (trong đó: xuất khẩu chính ngạch chiếm khoảng 15 – 20%, xuất khẩu tiểu ngạch 80-85%), 15-20% tiêu thụ trong nước. Năm 2018 ước xuất khẩu khoảng 1,1 tỷ USD, thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của nước ta là Trung Quốc chiếm trên 80%, kế đến là Singapore, Hồng Kông, Indonesia; gần đây chúng ta đã mở mới thị trường khó tính đầy tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc. Dự báo nhu cầu tiêu thụ thanh long cả nước đến năm 2020 khoảng 1.000 – 1.100 nghìn tấn, trong đó: Trung Quốc 650 – 700 nghìn tấn, nội địa 200 – 250 nghìn tấn, các thị trường khác 80 – 100 nghìn tấn, công nghiệp chế biến 60 nghìn tấn;
Dự báo thị trường tiêu thụ thanh long chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch. Trong tương lai sẽ chuyển dịch từ thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới (Ấn Độ) và các thị trường khó tính (Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ…) cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao, mức tăng sản lượng sản xuất thanh long của các nước khác trên thế giới cao (Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc,…cũng đang quan tâm phát triển thanh long). Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục tăng diện tích thanh long và chất lượng thanh long không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam thuộc nhóm 11 nước có diện tích và sản lượng chuối đứng hàng đầu thế giới (tương ứng bằng 2,20 và 1,76%), đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về diện tích thu hoạch (sau Philippines, Thái Lan) và sản lượng (sau Philippines, Indonesia); Giá trị xuất khẩu chuối của Việt Nam tăng qua các năm, từ 1,1 triệu USD năm 2010 lên 44,4 triệu USD năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã đề nghị các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. “Các địa phương cũng cần tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn….phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu”, ông Doanh nhấn mạnh.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích của các tỉnh phía Nam trong những năm gần đây liên tục tăng, tính đến nay diện tích cây ăn quả ước đạt 596,331 ha (chiếm 60% diện tích cây ăn quả cả nước), với tổng sản lượng đạt khoảng hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng cả nước).
Miền Nam có 14 loại quả có diện tích lớn trên 10.000ha/loại, trong đó xoài có diện tích lớn nhất (80.000ha), chuối (78.000 ha), thanh long (53.000 ha), cam, bưởi (44.000 ha), nhãn (35.000 ha), sầu riêng (47.000 ha), dứa (33.000 ha)…Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, không tâp trung nên rất khó khăn cho các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại quả như thanh long chuối, cây có múi đang hình thành các vùng sản xuất tập trung và chuyên canh với quy mô lớn.
Cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, nhưng trái cây đưa vào chế biến hiện còn rất ít cả về chủng loại và sản lượng. Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, tuy nhiên hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay diện tích cây ăn trái Tiền Giang không ngừng tăng lên. Năm 2018 đạt hơn 77.700 ha, tăng khoảng 9.000 ha so với năm 2013; sản lượng thu hoạch đạt 1.498 triệu tấn, tăng 0,344 triệu tấn so năm 2013 (1,154 triệu tấn).
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn phổ biến. Việc đầu tư, chăm sóc chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; đồng thời, biến đổi khí hậu hiện hữu ngày càng rõ nét, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn của Nhà nước để tích ứng nhưng nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.
Còn ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì cho rằng, hiện công tác quản lý giống cây trồng gặp nhiều khó khăn do kinh doanh giống cây trồng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, chưa có văn bản hướng dẫn về việc cấp phép sản xuất cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.
Việc trồng cây ăn trái, nhất là cây có múi một cách tự phát, mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, làm cho tình hình dịch bệnh vàng lá gân xanh, phát triển gây hại, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị, quảng bá giới thiệu các sản phẩm cho thị trường trong nước và ngoài nước; tăng cường hỗ trợ đầu tư hệ thống kênh thông tin về giá cả thị trường, thông tin khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo các giống thanh long nhằm đa dạng sản phẩm và các biện pháp quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp trên thanh long và chanh.
Minh Quang