Triển lãm và hội nghị khoa học Aquaculture Vietnam 2019  ( 16-18/10- 2019) do UBM kết hợp với Hội Nghề cá Việt Nam cơ hội động viên sức mạnh cả cộng đồng thủy sản.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU THỦY SẢN PHẤN ĐẤU ĐẠT 10 TỶ USD NĂM 2019

      Năm 2018 và nửa đầu Năm 2019, ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi trồng thủy sản nói riêng phải đối mặt với những khó khăn thách thức ngoài tầm kiểm soát, cụ thể như biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan: Nắng nóng khô hạn kéo dài, giá cả của các đối tượng chủ lực như tôm biến động và suy giảm năm 2018, nửa đầu năm 2019; cá tra từ giá thấp năm 2017 tăng lên rất cao cho tới mấy tháng đầu năm 2019, nhưng sau đó xuống lại xuống rất thấp trong thời gian gần đây; thẻ vàng EU cho khai thác thủy sản…

Cá tra và tôm là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

 Bên cạnh đó là những khó khăn thách thức sinh ra trong quá trình sản xuất bao gồm chất lượng tôm giống không ổn định do phải nhập khẩu tôm chân trắng bố mẹ, hoặc tôm sú bố mẹ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chất lượng của con giống cá tra cũng đang trên đà suy giảm; giá thức ăn và năng lượng tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra còn một loạt vấn đề liên quan tới tổ chức sản xuất, chủ trương và chính sách đối với ngành thủy sản đang cần phải được tháo gỡ.

Tuy vậy ngành nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp tục phát triển một cách ổn định và đạt được kết quả mong đợi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là những nỗ lực mà ngành Thủy sản đã hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản, hoàn thiện một bước về thể chế trong tinh thần hội nhập và cầu thị, có thái độ ứng xử minh bạch với vấn đề khai thác bất hợp pháp, thực hiện công tác tái cơ cấu ngành, có bước đột phát trong phát triển đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) và xử lý tốt tình huống để duy trì và ổn định mở rộng sản xuất, kiểm soát tình hình sản xuất và phát triển liên kết chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.

Cụ thể năm 2018, Tổng diện tích nuôi trồng đạt 1,3 triệu ha, bằng 106% so với cùng kỳ 2017, sản lượng nuôi đạt 4,3 triệu tấn, tăng 8,3%  trong đó tôm các loại đạt 800 nghìn tấn, tăng 10,5%; cá tra đạt 1,42 triệu tấn, tăng 14,0%. Sản lượng cá biển nuôi ước tính đạt 32 nghìn tấn; nhuyễn thể  đạt 320 nghìn tấn; tôm hùm 1,6 nghìn tấn, cua ghẹ hơn 60 nghìn tấn. Số còn lại là các loài thủy sản nuôi trồng khác bao gồm nhóm cá nước ngọt như :  rô phi, nhóm họ cá chép  truyền thống, cá lóc, lươn…

      Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 100,7% so với kế hoạch đề ra. Trong sản lượng nói trên, Sản lượng tôm ước đạt 289,7 nghìn tấn, bằng 108,8% so cùng kỳ và đạt 33,7% so với kế hoạch cả năm 2019. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt khoảng 112,3 nghìn tấn, bằng 106,7% cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng đạt 177,4 nghìn tấn, bằng 110,2% cùng kỳ năm 2018.Sản lượng cá tra đạt 684 nghìn tấn, bằng 107,5% so với cùng kỳ 2018 và đạt 45,2% kế hoạch cả năm. Các đối tượng khác (cá rô phi, nhuyễn thể, tôm hùm, cá biển) cũng đạt kết quả khả quan. Ước tính sản lượng nhuyễn thể đạt 150 nghìn tấn, cá rô phi 100 nghìn tấn, cá biển 30.000 tấn, rong biển, tảo biển 90.000 tấn.

Nhờ tăng trưởng về sản lượng và những tiến bộ trong chế biến xuất khẩu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017: cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%); nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%; nhuyễn thể 785 triệu USD, tăng 9,1%; giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4 tỷ USD, tăng 0,6% với cùng kỳ năm 2018, trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD.

      Triển lãm và hội nghị khoa học Aquaculture Vietnam 2019 do UBM kết hợp với Hội Nghề cá Việt Nam được sự ủng hộ của bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản tổ chức, diễn ra từ ngày 16 – 18 /10/ 2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế thành phố Cần Thơ năm nay sẽ đánh giá những nỗ lực của hai năm qua trong tổ chức sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, đồng thời nhận diện những thách thức mới, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường thế giới và trong nước có những yêu cầu mới cũng như môi trường kinh tế thế giới với những biến đổi ngoài dự kiến. Ngoài ra, hội nghị khoa học cũng dành thời gian để nghe các ý kiến của những người sản xuất, của những nhà đầu tư, những tổ chức liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ quá trình sản xuất và thương mại của nghành thủy sản như ngân hàng, các tổ chức cấp chứng chỉ, các tổ chức tư vấn, và các nhà mua hàng đại diện cho khối người tiêu dùng… để tìm ra tiếng nói và hành động chung làm cho sản phẩm nuôi trồng của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng thông thái, ngành nuôi trồng phát triển một cách bền vững có hiệu quả kinh tế cao với công nghệ hữu ích và tiên tiến đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường và xã hội.

Hội nghị khoa học và triển lãm lần này cũng sẽ là cơ hội để động viên sức mạnh của cả cộng đồng thủy sản trong đó có cộng đồng người nuôi trồng, chế biến, các nhà cung ứng dịch vụ đầu vào, các nhà đầu tư và người tiêu dùng hợp tác với nhau chung tay cùng nhau để thực hiện tốt mục tiêu và kế hoạch của ngành nông nghiệp đề ra cho ngành thủy sản cụ thể đạt các chỉ tiêu sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 4,25% so với 2018; trong đó tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng là 5,19%; tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác là 2,72%. Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 phấn đấu đạt 7.983,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; trong đó sản lượng khai thác đạt 3.680,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 4.303,3 nghìn tấn, tăng 3,6% (Trong đó: sản lượng cá tra 1.468,9 nghìn tấn, tăng 3,0%; sản lượng tôm các loại 852,0 nghìn tấn, tăng 6,5%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD, tăng 11,1%.

Quang Minh